Bà Hà Thị Thu Thanh, Phó chủ tịch VTCA, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, khả năng thành công của mỗi lãnh đạo không được đo đếm bằng sức mạnh mà bằng niềm tin, trí tuệ và tâm đức. Khi nói đến thành công của một doanh nhân thì người ta cũng không phân biệt nam hay nữ và bạn được sinh ra ở tuổi nào.
Nhân đầu xuân Nhâm Dần 2022, bà Hà Thu Thanh đã có những chia sẻ về công việc cũng như tuổi Dần của mình với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.
Khủng hoảng do dịch Covid-19 trong năm 2021, đã tạo ra những tác động tiêu cực tới đa số doanh nghiệp, nhưng cũng có một thực tế: Rủi ro của doanh nghiệp này là cơ hội của doanh nghiệp khác. Bà đánh giá như thế nào về những rủi ro và cơ hội của các doanh nghiệp trong năm 2021 vừa rồi và xu thế của năm 2022?
Covid-19 được coi là một "liều thuốc thử" để đo đếm sức khỏe doanh nghiệp. Trong “nguy” bao giờ cũng có “cơ”, khủng hoảng là cơ hội để đưa tất cả các doanh nghiệp về một mặt bằng chung. Mặc dù, rất nhiều doanh nghiệp đã bị cơn khủng hoảng này nuốt chửng, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp “chuyển mình” và “vực dậy” thành công. Do đó, đây chính là thời điểm để doanh nghiệp tìm kiếm và thử nghiệm các cách thức hoạt động mới, tạo ra những thay đổi cơ bản trong chiến lược để chiến đấu với trạng thái “bình thường mới”.
Theo tôi, doanh nghiệp cần có chiến lược để “vươn mình” từ suy thoái và trở thành những người trụ vững và phát triển bền vững.“Những kẻ sống sót” còn lại trong đại dịch chắc chắn là những doanh nghiệp có tiềm lực và có sức chịu đựng cao hơn các doanh nghiệp khác. Sức mạnh này đến từ sự kết hợp hài hòa ba yếu tố: nguồn lực tài chính, con người và các nguồn lực xã hội khác.
Đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó sự phục hồi lại bị đe dọa bởi các đợt bùng phát dịch mới, đặc biệt là biến chủng Omicron tại một số nước, gây lo ngại về sự đình trệ, gián đoạn của các hoạt động sản xuất- kinh doanh, cản trở quá trình phục hồi không đồng đều và đang chịu rủi ro năng lượng… Trong khi đó, các gói hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang dần vào giai đoạn cuối, hiệu lực và dự địa chính sách đang giảm dần; giá cả hàng hóa thế giới thời gian qua tăng mạnh gây áp lực lạm phát.
Trong nước, chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động bán lẻ tiếp tục suy giảm trong điều kiện bình thường mới do sức cầu còn yếu; thu chi ngân sách vẫn còn nhiều thách thức.
Về chiến lược, Deloitte luôn tư vấn khách hàng áp dụng chiến lược “3 trong 1”: Đối phó, Phục hồi và Hưng thịnh. Trong đó, để đến được giai đoạn phát triển và hưng thịnh, mọi hoạt động của doanh nghiệp cần cân đối giữa các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Doanh nghiệp ở vị thế sẵn sàng sẽ luôn chiếm ưu thế trong mọi cuộc chiến.
Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần dựa trên nguyên tắc đối mặt với khủng hoảng như thế nào, thưa bà?
Tôi cho rằng muốn phát triển bền vững doanh nghiệp cần dựa trên 6 nguyên tắc để đối mặt với khủng hoảng. Thứ nhất, đặt nền móng, xây dựng một mô hình doanh nghiệp kiên tâm, ở đó có sự linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với mọi bất ổn dựa trên chiến lược dài hạn và nguyên lý quản trị khủng hoảng.
Thứ hai là bảo toàn và thúc đẩy nguồn doanh thu, liên tục đổi mới phương thức bán hàng (chẳng hạn như thay đổi từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến), tìm kiếm khách hàng và thị trường mới để đảm bảo doanh thu không đứt gãy.
Thứ ba, tối giản chi phí một cách hợp lý. Thứ tư, cần tối ưu hóa tất cả những nguồn tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu, rà soát lại toàn bộ danh mục tài sản, củng cố bảng cân đối tài chính để tối ưu dòng tiền.
Thứ năm, khủng hoảng là cơ hội đưa tất cả doanh nghiệp về cùng một điều kiện. Các công ty nhanh chóng tăng tốc chuyển đổi số hơn thì sẽ đi nhanh hơn thông qua việc tận dụng dữ liệu và các giải pháp công nghệ để vừa hoạt động vừa ứng phó để phát triển.
Thứ sáu, đó là tập trung vào quản lý mục tiêu và cân bằng nhu cầu của các bên liên quan.
Nếu các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm phương pháp giải bài toán sống còn trong khủng hoảng, thì đây là lúc họ nên rà soát lại dựa trên các nguyên tắc này.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh phức tạp, với vị thế công ty tư vấn, kiểm toán số 1 tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, Deloitte đã ứng phó, phục hồi để phát triển như thế nào thưa bà?
Trên hành trình 30 năm tiên phong của Deloitte Việt Nam, chúng tôi đã trải qua không ít cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội. Mô hình quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro của Deloitte tập trung vào việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo kiên tâm, những người có trí tuệ, chiến lược, và kiên cường bám đuổi các mục tiêu dài hạn.
Lãnh đạo kiên tâm ngoài bản lĩnh vững vàng về quản trị, còn mở ra tầm nhìn và gieo niềm tin bằng những giá trị để tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho mọi thành viên của doanh nghiệp. Bằng sự thấu cảm cao, họ sẽ tạo nên một tập thể kiên chí, kiên trì và một doanh nghiệp kiên cường. Khi mọi yếu tố bên ngoài bị xáo trộn thì nguồn nội lực bên trong của doanh nghiệp chính là giá trị cốt lõi cho sự phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ về hoạt động kinh doanh, nhưng Deloitte luôn tập trung cao nhất vào việc bảo vệ cho đội ngũ nhân viên của mình. Deloitte là một trong những hãng kiểm toán triển khai tiêm vaccine nhanh nhất cho nhân viên, đảm bảo môi trường văn phòng xanh và tuyệt đối tuân thủ 5K. Cùng với đó, chúng tôi tự hào với văn hóa doanh nghiệp đầy ắp sự quan tâm, chia sẻ dành cho cả nhân viên và người thân của họ, cho họ sự an tâm cả về đời sống vật chất và tinh thần.
Đặc biệt, tư duy tại Deloitte không phải là quản lý công việc bằng thời gian mà là quản trị hiệu quả lao động. Ngay từ trước khi Covid-19 xảy ra, chúng tôi đã có chính sách làm việc linh hoạt, đảm bảo hiệu suất của nhân viên với tinh thần trách nhiệm, tự giác và kỷ luật cao. Nhờ đó, khi dịch bệnh kéo theo tình trạng giãn cách xã hội khiến mọi hoạt động xã hội bị ngưng trệ, thì chúng tôi đã duy trì được 100% đội ngũ làm việc từ xa với hiệu suất công việc luôn ở mức độ tốt.
Trong giới kinh doanh có lẽ nhiều người cũng biết đến tên tuổi của bà, một nữ doanh nhân thông minh, mạnh mẽ và quyết đoán. Là một nữ doanh nhân tuổi Dần, theo bà thì tuổi này “vận” vào cuộc đời và sự nghiệp của bà hay không?
Khả năng thành công của mỗi lãnh đạo không được đo đếm bằng sức mạnh mà bằng niềm tin, trí tuệ và tâm đức. Theo tôi, khi nói đến thành công của một doanh nhân thì người ta cũng không phân biệt nam hay nữ và bạn được sinh ra ở tuổi nào. Điều quan trọng là cách của mỗi người thể hiện sức mạnh nội lực bên trong của mình, mà sức mạnh đó như tôi đã đề cập ở trên, là sức mạnh vô hình của niềm tin, trí tuệ, tâm và tầm. Khi có những điều đó, tự nhiên những nhà lãnh đạo dường như có vẻ trở nên mạnh hơn và mạnh một cách khác thường hơn.
Khi nói đến năm Dần người ta thường nghĩ đến sức mạnh tự nhiên của những chú hổ - chúa sơn lâm! Những người sinh năm Dần dường như cũng tự tin hơn khi được gắn cho sức mạnh của tuổi này… và có lẽ tôi cũng không phải là ngoại lệ! Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn tin vào điều đó. Có rất nhiều người bạn tuổi Dần như tôi, họ đều là những người hiền hòa, nhu mì và hoàn toàn không mang đặc tính gì của “Dần”, chúng tôi vẫn gọi đùa đó là “hổ bách thảo”. Với những gì trải qua của 2 năm Covid-19, tôi luôn luôn tin vào sức mạnh nội lực và trong đó Nhâm Dần là một năm để các doanh nghiệp phục hồi và cất cánh.
Xin cảm ơn bà!
Linh Giang
Tạp chí in số Tết 2022