Nung chảy trang sức mua được thành dạng thỏi rồi bán lại mà không chế tác thành trang sức thì có được phép không?
TCDN - Giải đáp vướng mắc của Công ty nung chảy trang sức từ cá nhân ra để sản xuất thành sản phẩm trang sức khác để bán.
Hỏi: Công ty TNHH MTV:
- Hoạt động kinh doanh: kinh doanh thu, bán vàng miếng; sản xuất và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ
- Được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Hoạt động chủ yếu là mua vàng của cá nhân đến cửa hàng bán, sau đó chế tác lại thành sản phẩm khác để bán.
1. Công ty thực hiện nung chảy trang sức mua được từ cá nhân ra để sản xuất thành sản phẩm trang sức khác để bán. Vậy Công ty nung chảy trang sức mua được thành dạng thỏi (nguyên liệu) rồi bán lại mà không chế tác thành trang sức thì có được phép không?
2. Chứng từ mua vào vàng để hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN phần lớn là bảng kê mẫu số 01/TNDN vì mua của cá nhân. Tuy nhiên trên thực tế có một số cá nhân tới cửa hàng bán số lượng lớn và thường xuyên, khách hàng là cá nhân tới cửa hàng bán thì Công ty không thể xác định được đó là tài sản của cá nhân mang bán hay thuộc cá nhân kinh doanh tới bán. Vậy trường hợp này thì lập bảng kê mẫu 01/TNDN để tính vào chi phí được trừ có đúng quy định không?
Trả lời:
Căn cứ theo hướng dẫn tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.
2. Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
3. Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.
...
Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng
Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng
1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.”
Theo đó, kinh doanh mua bán vàng là ngành nghề có điều kiện. Hoạt động chế tác vàng miếng chỉ do Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoặc cấp phép cho một tổ chức kinh doanh đáp ứng các điều kiện quản lý của Ngân hàng NN. Các cơ sở kinh doanh vàng không được phép tự ý sản xuất vàng miếng.
Về chứng từ hạch toán chi phí. Theo quy định tại khoản 2.4 Điều 6- Các khoản chi được trừ và không được trừ, của Thông tư số 78/2014/TT-BTC, doanh nghiệp lập Bảng kê 01/TNDN đối với chi phí mua hàng hóa, dịch vụ của người bán không có hóa đơn trong các trường hợp sau:
“- Mua hàng hoá là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; ...
- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).”
Trường hợp đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã đăng ký thuế với cơ quan thuế, hạch toán kế toán theo chế độ kế toán doanh nghiệp, có phát sinh hoạt động mua tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân không có hóa đơn thì đơn vị lập Bảng kê (theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) kèm theo chứng từ thanh toán để hạch toán chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung Bảng kê đã lập.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899