Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, điều doanh nghiệp mong muốn nhất đó đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn từ các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Title-01

Việc đại dịch COVID-19 lần 2 quay trở lại đã ản hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp coi như “chết”. Việc phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô của các doanh nghiệp khiến cho tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng lên nhanh chóng.

Sau dịch đợt 1 các doanh nghiệp đã dần phục hồi tăng tốc đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh doanh trở lại và được khách hàng đón nhận, sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện qua 2 tháng.

Thế nhưng đến ngày 25/7 dịch quay trở lại và bùng phát mạnh mẽ. Những doanh nghiệp đang hồi phục đã bị “quật ngã” một lần nữa và tổn thất nặng nề hơn giai đoạn trước. Tính đến thời điểm này doanh nghiệp gần như tê liệt, 60% doanh nghiệp không thể cầm cự và đang bên bờ vực phá sản.

Doanh nghiệp ảnh hưởng trầm trọng do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp ảnh hưởng trầm trọng do dịch Covid-19.

Vậy các gói hỗ trợ của Chính phủ đã giúp gì cho các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Ông có thể cho biết thực tế sử dụng các gói hỗ trợ này tại các doanh nghiệp ở Hà Nội như thế nào?

Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được nhận hàng loạt chính sách hỗ trợ như chương trình tín dụng của TP Hà Nội cho vay theo chương trình kết nối Doanh nghiệp với Ngân hàng đạt 548.352 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19 đối với khu vực hộ, cá nhân kinh doanh, Cục Thuế TP. Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật để hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ, gửi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may; điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô; vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức du lịch…

Đối với các cá nhân kinh doanh riêng lẻ có đơn xin giảm thuế khoán do thay đổi doanh thu vì tác động của dịch đã được hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh.

Title-02

Nhiều doanh nghiệp phản ánh không mặn mà với các gói hỗ trợ, theo ông nguyên nhân do đâu?

Tôi cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải, còn hạn chế. Chẳng hạn gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 17,5 ngàn tỷ đồng, là đạt tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ.

Do tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta dù đã khống chế tốt dịch ở giai đoạn 1 nhưng chưa tranh thủ được nhiều lợi thế đã tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.

Vừa qua, Chính phủ có chương trình hỗ trợ gia hạn về thuế và tiền thuê đất, song doanh nghiệp có vẻ không hào hứng?

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19: “Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19...”.

Chính vì số tiền giảm không lớn nên doanh nghiệp cũng thấy việc hỗ trợ mang tính hình thức, chưa thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp khi ngừng sản xuất kinh doanh, không tạo ra doanh thu và việc làm cho người lao động.

Liên quan tới gói hỗ trợ thuế và tiền thuê đất, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân?

Việc giảm thuế VAT sẽ kích thích tiêu dùng trong cộng đồng từ đó tiêu dùng tăng lên thì doanh nghiệp mới tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy đề xuất giảm VAT là biện pháp rất tích cực, nó hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tê liệt, bên bờ vực phá sản.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tê liệt, bên bờ vực phá sản.

Title-03

Ông đánh giá như thế nào về việc Chính phủ chuẩn bị tung gói hỗ trợ lần 2 trong đó có nhiều ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 này lên tới 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn. Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021.

Chúng tôi cho rằng gói hỗ trợ này là rất thiết thực cho doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cầm cự trong giai đoạn hiện nay và từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài các gói hỗ trợ thì các doanh nghiệp mong muốn những cơ chế, chính sách gì để vượt qua được giai đoạn khó khăn này?

Doanh nghiệp mong muốn nhất đó là thể chế, tháo gỡ khó khăn từ các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và giảm bớt giấy phép con tăng hậu kiểm thay bằng tiền kiểm để doanh nghiệp khởi nghiệp được phát triển.

Chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đã chính thức có hiệu lực. Thuế là một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 quay trở lại.

Bên cạnh đó, trong thời gian dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu, thậm chí lỗ do các đơn hàng bị hủy, giảm... Vì vậy với các doanh nghiệp, tích luỹ được gì hay được miễn giảm gì cũng là điều rất quý. Với doanh nghiệp nhỏ dù khoản thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều, nhưng cùng với những khoản hỗ trợ thuế khác như miễn, giảm thuế đất; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động… lại là vô cùng thiết thực.

Khi thu nhập doanh nghiệp được giảm thuế họ sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Từ đó tạo điều kiện cho các thu nhập doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của thu nhập doanh nghiệp; là tiền đề giúp các thu nhập doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành thu nhập doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.

Tác giả: Thanh Phương

Thiết kế: Mai Nguyễn