Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết khi mà lưu lượng hành khách qua sân bay này đang ngày càng tăng. Ngoài việc sắp xếp lại bộ phận nhân sự bên trong sân bay, cần tăng diện tích nhà ga mà phương án tối ưu nhất là thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay. 

Theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia về giao thông hàng không, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là phù hợp nhất.

Thưa ông, ông có thể nói đôi nét về sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là trong giai đoạn sân bay có phần bị quá tải, ùn tắc?

Về sân bay Tân Sơn Nhất, chúng ta đều biết bị ùn tắc từ mặt đất đến trên trời, ở bên trong và bên ngoài sân bay.

Tình trạng ùn tắc từ ngoài vào trong, từ đường đi đến lối vào sảnh sân bay đến khâu làm thủ tục xếp hàng kiểm tra an ninh luôn ám ảnh hành khách mỗi lần đến đây. Vào được trong thì ghế ngồi không đủ, vì lượng hành khách quá đông, thời gian chờ lên máy bay quá lâu.

Tình trạng ùn tắc ở khâu soi chiếu an ninh hành lý đã xãy ra trong nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 14/4 đến19/4/2021 vừa qua đã gây thiệt hại cho hành khách và làm mất uy tín cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất đã điều chuyển 5 máy soi chiếu an ninh và cổng từ từ nhà ga quốc tế sang lắp đặt tại sảnh A nhà ga quốc nội. Như thế hiện nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã có 30 máy soi chiếu an ninh nên về cơ bản đã khắc phục việc ùn tắc tại điểm kiểm tra soi chiếu an ninh.

Tuy nhiên vào dịp lễ 30/4 – 1/5, hàng loạt máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất phải bay lòng vòng trên trời 20 phút, có khi đến 1 giờ, thậm chí còn bay lòng vòng ra biển, xuống tận Cần Thơ rồi mới bay ngược về để xếp hàng chờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Nhiều hành khách lo lắng với thời gian bay thêm bất bình thường này, còn hãng bay kêu bị đội thêm chi phí, trễ chuyến dây chuyền.

Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết do tần suất khai thác cao, máy bay dồn về cùng một thời gian nhưng năng lực thông quan có giới hạn của hệ thống đường cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu phải kéo dài thời gian bay chờ trong vùng trời tiếp cận sân bay.

anh1

Vậy đâu là nguyên nhân khiến sân bay quá tải, thưa ông?

Nguyên nhân được giải thích một cách đơn giản với điệp khúc “hành khách đông nên quá tải” nghĩa là hành khách quá đông làm khối lượng công việc vượt quá khả năng phục vụ của sân bay.

Tuy nhiên việc “quá tải” này rất dễ thấy trước và lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cùng Cục Hàng không phải tiên liệu để có biện pháp giải quyết sớm chứ không nên để cho ùn tắc xãy ra rồi lý giải nguyên nhân như thế.

Thật ra việc tổ chức và điều hành quá kém là lý do chính khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải tại khu vực cửa soi chiếu hành lý. Hệ thống điều hành sân bay để mặc cho ùn tắc bất thường xảy ra và mọi việc diễn ra lộn xộn trong nhiều ngày, hành khách chen chúc hàng giờ giữa mùa dịch bệnh.

Đừng đổ thừa hoàn toàn cho năng lực cơ sở vật chất thấp hơn nhu cầu, mà nguyên nhân ở đây là chất lượng dịch vụ, năng lực điều phối - cung cấp dịch vụ quá yếu kém.

quote

Theo ông, để giải bài toán này, chúng ta cần tính đến những phương án nào?

Tôi cho rằng, những người lãnh đạo việc tổ chức và điều hành sân bay phải tiên liệu để có biện pháp dự phòng cho những khi đông khách và phải nhanh chóng giải quyết việc ùn tắc ngay khi xãy ra. Khi có dấu hiệu ùn tắc do khách đông, ngay lập tức những người lãnh đạo sân bay điều phối nhân viên và tổ chức linh hoạt để mở thêm làn, thêm cửa… để sự tắc nghẽn được giải tỏa nhanh nhất có thể.

Cùng với đó, khu vực chờ soi chiếu an ninh cần được bố trí lại cho hợp lý, điều động nhân viên xử lý nhanh, giải phóng các điểm nghẽn, không để cảnh ùn tắc tiếp tục tái diễn...

Còn như vừa qua ở sân bay Tân sơn Nhất, khi khách phải xếp hàng rồng rắn nhưng khu vực kiểm soát an ninh hay làm thủ tục vẫn không tăng số quầy/cổng, nhân viên vẫn thủng thẳng như bình thường, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cùng lãnh đạo ACV và Cục Hàng không vài ngày sau mới họp để bàn cách giải quyết.

Việc lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất điều chuyển 5 máy soi chiếu an ninh và cổng từ từ nhà ga quốc tế sang lắp đặt tại sảnh A nhà ga quốc nội vừa qua chỉ là “giật gấu vá vai” tạm bợ thôi chứ không là giải pháp lâu dài khi nhà ga hành khách quốc tế hoạt động bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, nhất là thời gian cao điểm dịp Tết Nguyên đán.

Phương án để giải quyết vấn đề ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất là phải phối hợp giữa điều hành quản lý và mở rộng cơ sở hạ tầng cho phù hợp với lượng hành khách gia tăng dự báo được. Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất phải cho thấy những khâu tạo ra tình trạng “nghẽn cổ chai” ở mặt đất trong nhà ga hành khách, tình trạng “ùn tắc ở mặt đất” của máy bay chờ cất cánh, tình trạng “ùn tắc trên bầu trời” của máy bay chờ hạ cánh, tình trạng kẹt xe vào ra sân bay… mà cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính để đề xuất việc mở rộng cho phù hợp với lượng hành khách gia tăng vào thời gian cao điểm như dịp Tết Nguyên đán.

Về cơ sở hạ tầng của sân bay, ông có đề xuất gì không?

Sân bay Tân Sơn Nhất có hệ thống nhà ga hành khách quá chật hẹp gây ùn tắc ở các khâu thủ tục, thiếu bãi đổ máy bay gây chậm trễ cho việc hành khách lên xuống, thiếu đường lăn gây cản trở cho việc máy bay cất hạ cánh và giảm khả năng thông hành của sân bay.  

Trong khi năm 2019 sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ trên 26 triệu HK quốc nội và trên 15 triêu HK quốc tế mà nhà ga quốc nội chỉ có diện tích 40.000 m² và nhà ga quốc tế có diện tích 108.000 m2, tức bình quân 1.540 m2 cho 1 triệu HK quốc nội và 7.200 m2 cho 1 triệu HK quốc tế, nếu tính chung cho cả khách quốc tế và quốc nội thì bình quân 3.600 m2 cho 1 triệu HK.

Mức bình quân 1.540 m2 cho 1 triệu HK quốc nội là rất thấp so với ngưỡng quốc tế 10.000 m2 cho 1 triệu HK. Trong khi giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành có nhà ga hành khách với diện tích 373.000 m2 cho năng suất 25 triệu HK/năm, bình quân 14.900 m2 cho 1 triệu HK, gấp 9,7 lần mức bình quân 1.540 m2 của nhà ga quốc nội và hơn 2 lần mức bình quân 7.200 m2 của nhà ga quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Nếu với mức bình quân 10.000 m2 cho 1 triệu HK như công ty tư vấn Pháp ADPi đề xuất cho nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất cần diện tích 500.000 m2 cho năng suất 50 triệu HK/năm.

Nhà ga hành khách T3 sắp xây dựng thực sự chỉ 100.000 m2 thôi nên tổng diện tích nhà ga phía nam là 250.000 m2 và như thế cần xây dựng nhà ga hành khách T4 với diện tích 250.000 m2 ở phía bắc cho tương ứng với năng suất mở rộng 50 triệu HK/năm của sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhà ga hành khách hai phía nam bắc sân bay được kết nối dễ dàng bằng đường buýt con thoi nội bộ sát hàng rào phía đông sân bay mà không tốn kém bao nhiêu.

san bay 2

Theo ông, việc mở rộng sân bay về phía Bắc có là tối ưu không?

Sân bay Tân Sơn Nhất có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống 22 sân bay hiện nay của cả nước, đang đảm nhận việc vận chuyển 40% hành khách quốc tế và 35% hành khách quốc nội của cà nước. Vì thế việc quá tải gây ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất gây ảnh hưởng đến sản lượng hàng không của cả nước và ảnh hưởng dây chuyền đến rất nhiều sân bay quốc nội kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Tăng hay giảm một chuyến bay quốc nội ở TSN cũng có nghĩa tăng hay giảm thêm một chuyến bay quốc nội nữa ở sân bay kết nối đó.

Do đó việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là rất cần thiết và ưu tiên hơn các sân bay khác, kể cả sân bay Long Thành.

Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất, hiện đại nhất của cả nước vì thế cần phải đầu tư đúng mức cho vai trò vị trí đó của nó. Sân bay Tân Sơn Nhất cần được mở rộng đến mức năng suất tối đa mà hiệu quả kinh tế cho phép rồi khi nó quá tải thì mới cần đến sân bay Long Thành. Không nên cố tình hạn chế năng suất thiết kế cho sân bay Tân Sơn Nhất ở mức 25 – 28 triệu HK/năm như thời gian 2015 nữa phải nhanh chóng mở rộng lên 50 – 60 triệu HK/năm.

Trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam của Công ty tư vấn Pháp ADPi, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với năng suất 60 triệu hành khách/năm, mở rộng xây dựng nhà ga hành khánh cả về phía nam và về phía bắc.

Hiện nếu mở rộng về phía Bắc thì đang vướng một số công trình, trong đó có sân Golf. Theo ông cần phải xử lý như thế nào?

Nếu vướng thì phải xử lý ngay. Nhanh chóng thu hồi sân golf, xây dựng thêm nhà ga hành khách T4 với diện tích 250.000 m2 và mở rộng sân bay về phía bắc là phương án cần thiết và thuận tiện nhất để giải quyết việc ùn tắc từ mặt đất đến trên trời, ở bên trong và bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất nhằm tăng năng suất lên mức 50 – 60 triệu HK/năm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2025 và lâu dài về sau.

Hiện tại, cụm sân golf Tân Sơn Nhất có diện tích 157ha và được thiết kế 4 sân với 36 lỗ, trong đó có 3 sân nằm bên đường băng sân bay. Cổng chính vào sân golf được xây dựng hoành tráng, nằm bên tuyến đường Tân Sơn được mở rộng thành 4 làn xe từ giao lộ với đường Phạm Văn Bạch tới cổng. Sân golf bắt đầu được xây từ 2007 và khai trương vào tháng 8.2015.

Từ cổng vào trung tâm khu phức hợp là tòa nhà CLB Golf có diện tích lên tới 12.700m2, trong đó riêng bãi đỗ xe rộng tới 2.050m2, đủ chỗ cho 361 ôtô và 500 xe máy. Tòa nhà này gồm có 3 tầng, là tòa nhà CLB Golf, nhà hàng A La Cart, trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace có sức chứa 2.000 người và có cả bãi đáp trực thăng riêng.

Viết Dinh