Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Giảm phụ thuộc, tăng giá trị vẫn khó nhân rộng
TCDN - Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn gặp không ít rào cản.
Chất lượng không ổn định
Hiện cả nước có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu, các khu nông nghiệp công nghệ cao còn lại do UBND tỉnh thành lập. Bên cạnh đó cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng.
Cả nước có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận. Cùng với đó, gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thu hút hơn 16.800 doanh nghiệp tham gia với khoản đầu tư hơn 39 nghìn tỷ đồng.
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo, góp phần đưa ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Việt Nam rất có tiềm năng trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được nhân rộng, dẫn đến chất lượng sản phẩm và an toàn, vệ sinh thực phẩm không ổn định, thậm chí còn ở mức thấp, giá trị gia tăng thấp.
Điển hình như tại Hà Nội, theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mới chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp cao quy mô còn nhỏ, ứng dụng công nghệ cao mới đạt từng phần, từng khâu…
Theo ông Phạm Văn Hoạch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa, Hà Nội, việc tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn là khâu khó nhất hiện nay. Nhà nước cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất cho các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...
Phù hợp điều kiện địa phương, người sản xuất và đầu tư
Ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh, lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường đến nay vẫn là đến từ nông dân. Để phát triển liên kết nông nghiệp phát triển bền vững thì vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là quan trọng nhất trong 4 nhà hay 6 nhà. Vấn đề cần giải quyết đó là thay đổi tư duy, không phải sản xuất quy mô lớn hay nhỏ, mà phải phù hợp với điều kiện của địa phương và người sản xuất, người đầu tư, từ đó mới có thể nghiên cứu được chính sách.
Bên cạnh việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ được xem là liều thuốc hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn gặp phải không ít thách thức. Đó là rào cản về vốn do nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị. Thực tế cho thấy, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô trung bình theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chi phí gấp từ 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống; đầu tư một hecta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng; sử dụng thiết bị flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả rất cao nhưng giá thành lên đến gần 10 nghìn USD.
Ông Trần Văn Tân - Tổng giám đốc CTCP xây dựng và thương mại Phong cách mới (Queen Farm) cho biết, cũng như các đơn vị đầu tư trong kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp khác, Queen Farm cũng gặp rất nhiều khó khăn như việc tiếp cận với các cơ chế chính sách của Nhà nước, đặc biệt là khó khăn về vốn. Để có được vốn ban đầu đầu tư mua lại đất nông nghiệp của người dân đã là một vấn đề nan giải, chưa kể đến vốn đầu tư các công trình hạng mục phục vụ cho sản xuất như nhà màng, nhà lưới…
Bên cạnh đó, khó khăn của Queen Farm còn nằm ở vấn đề công nghệ, nhất là các công nghệ tiên tiến trên thế giới còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Dẫn đến, doanh nghiệp phải tự liên hệ với các đối tác chuyển giao công nghệ ở nước ngoài như Nhật Bản, Bỉ, Đức… Khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất cũng buộc chân doanh nghiệp. Việc người dân bỏ ruộng đất đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên khi doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất của người dân để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao thì gặp phải rất nhiều vấn đề.
PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong top 15 nhà xuất khẩu nông sản trên thế giới và đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Nhưng tổng vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp về công nghệ mới thì dường như đang bị giảm xuống.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Mức độ phát triển như của Việt Nam thì việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP nông nghiệp, tức là cần gấp 4 lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, PGS. TS. Đào Thế Anh chia sẻ thêm.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Minh Hoàng
email: [email protected], hotline: 086 508 6899