Phục hồi sau dịch Covid-19: Miễn, giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững

18/11/2020, 15:35

TCDN - Ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch; Miễn, giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững; Điều chỉnh việc định giá các tài nguyên không thể tái tạo… là các chính sách trọng tâm thúc đẩy Việt Nam trở thành nhà vô địch về phục hồi xanh sau đại dịch Covid – 19.

Ngày 18/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh”. Đây là năm thứ ba của chuỗi hội thảo này nhằm tạo diễn đàn cho các học giả trong nước, quốc tế thuộc các ngành kinh tế, quản trị và kinh doanh trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển bền vững toàn cầu.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, đại dịch Covid – 19 thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây ra những làn sóng chấn động cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống và kế sinh nhai của người dân.

Nhiều cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa. Các chính phủ đang giãn khả năng chi tiêu. Sự ổn định của hệ thống tài chính bị đe dọa. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tìm cách kiểm soát, hạn chế sự suy thoái kinh tế. 

Thông tin về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, TS. Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại vào tháng 8 (chỉ 5% còn đóng cửa), nhưng một nửa trong số đó chỉ còn đủ tiền để hoạt động trong thời gian dưới 2 tháng. 16% các doanh nghiệp đã có nợ khó đòi và 31% dự kiến sẽ phát sinh nợ khó đòi trong vòng 6 tháng tới.

TS. Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tham luận

TS. Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tham luận

TS. Jacques Morisset nhận định, nhìn chung Việt Nam tiến triển tích cực hơn các nền kinh tế Đông Á khác. Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong hoạt động phòng và chống dịch Covid – 19 là lực đẩy mạnh mẽ nhất - đất nước đã hoạt động trở lại (trong nhóm 6 nước dẫn đầu ASEAN về an toàn trong dịch bệnh Covid – 19).

Chính nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng - xu hướng trước khi xảy ra dịch Covid – 19 do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng và tình hình căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là cơ hội đẩy nhanh sự chuyển dịch của một số công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Những yêu cầu cấp bách mới có thể làm đẩy nhanh tốc độ cải cách ở trong nước, đặc biệt là về số hóa và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Thêm nữa, các hiệp định thương mại khu vực tạo ra cơ hội mới cho Việt Nam khi rào cản ở các nước khác trên thế giới đang gia tăng.

Theo TS. Jacques Morisset, Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng Covid – 19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ kiểm soát rất tốt đại dịch. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương trong quý 2.

Tuy nhiên, dù triển vọng trong ngắn hạn vẫn tích cực nhưng cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định.

Thách thức tiếp theo của Việt Nam là duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng cách nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số, phục hồi xanh.

TS. Jacques Morisset cho rằng, để trở thành nhà vô địch về phục hồi xanh sau đại dịch Covid – 19, Việt Nam nên ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon để cắt giảm mạnh lượng khí thải.

Đồng thời, cần điều chỉnh việc định giá các tài nguyên không thể tái tạo hoặc gây ô nhiễm để khuyến khích các hành vi có trách nhiệm... Việt Nam cũng nên cấp tài trợ không hoàn lại, cho vay và miễn, giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu năng lượng sạch. Trong đó, các ngân hàng giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ hoặc ưu đãi tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả năng lượng và lắp đặt năng lượng tái tạo.

Thi Thi
Bạn đang đọc bài viết Phục hồi sau dịch Covid-19: Miễn, giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan