Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

11/07/2023, 13:46

TCDN - Sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, thay vì lệ thuộc vào độ trễ của chính sách.

Ngày 11/7, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.

Ngày 11/7, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, sự sụt giảm của tổng cầu vẫn đang diễn ra với những minh chứng như: GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nền kinh tế có xuất siêu song kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.

“Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, ông Hiếu nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp kích cầu có chọn lọc và kết hợp các chính sách cải thiện các tổng cung tiềm năng.

“Chính sách trọng cung của nền kinh tế khi chúng ta nhìn thấy xu hướng tăng trưởng chung của nền kinh tế đang thấp dần. Nếu chúng ta lạm dụng chính sách kích cầu sẽ dễ đi từ thái cực này sang thái cực khác bất ổn hơn”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đề xuất, cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể: thứ nhất, phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn.

Mặt khác, ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường.

Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam vừa công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023. Báo cáo đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023.