Quốc hội sẽ họp trực tuyến 1/2 thời gian, không có chất vấn trực tiếp

24/04/2020, 20:16

TCDN - Chiều 24/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc tổ chức Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14. Theo đó, Quốc hội sẽ khai mạc vào 20/5, kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp, không tiếp xúc cử tri trực tiếp và chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ.

Kỳ họp thứ 9 tới Quốc hội cũng quyết định bỏ thảo luận tổ.

Kỳ họp thứ 9 tới Quốc hội cũng quyết định bỏ thảo luận tổ.

Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi gửi văn bản xin ý kiến, đa số ý kiến nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt trực tuyến và tập trung (trực tiếp).

Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời (phản ứng nhanh) những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.

Về nội dung và thời gian, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bổ sung 04 nội dung: dự án Luật Cư trú (sửa đổi); các dự thảo Nghị quyết về: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957.

Đồng thời, rút 05 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất vấn và trả lời chất vấn; Báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2019 (Chính phủ đề nghị chuyển sang kỳ họp thứ 10); Báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017 (Chính phủ đề nghị chuyển sang năm 2021).

Đợt 1 (họp trực tuyến): Khai mạc kỳ họp Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội (nếu có), nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.

Đợt 2 (họp trực tiếp): Quốc hội xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Về thời gian: Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày. Trong đó, đợt 1 tiến hành 8,5 ngày bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5; đợt 2 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6 (bế mạc kỳ họp), dự phòng ngày 20/6.

Tại Kỳ họp thứ 9 sẽ không có báo cáo riêng về dịch COVID-19, chỉ đề cập đậm đà hơn trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội. Về ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương chắc chắn sẽ hụt thu so với dự toán, nên cần xác định sẽ miễn, giảm, giãn, hoãn những khoản thu nào, bớt khoản chi nào, tăng chi cho an sinh xã hội… là những vấn đề sẽ phải báo cáo với Quốc hội. 

Về cách thức tiến hành kỳ họp, những vấn đề người dân quan tâm sẽ vẫn được truyền hình, phát thanh trực tiếp như phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về kinh tế-xã hội, dân tộc miền núi…

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9 không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, nhưng quyền chất vấn sẽ vẫn được các ĐBQH thực hiện bằng gửi văn bản, các bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Quốc hội sẽ họp trực tuyến 1/2 thời gian, không có chất vấn trực tiếp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan