Quốc hội xem xét, quyết định nhân sự ngay tại đầu kỳ họp
TCDN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp về trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành. Theo đó, Kỳ họp thứ 5 được chia làm 02 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6 (dành một tuần giữa 02 đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp). Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 08 dự án luật, trong đó có 06 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự); 02 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp trên cơ sở quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị của Chính phủ, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Quốc hội cũng xem xét, ban hành 03 nghị quyết quy phạm pháp luật: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác, bao gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong trường hợp Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Dự án đã được tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và hơn 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thông qua nhiều hình thức phong phú, các ý kiến đã tham gia sôi nổi vào việc hoàn chỉnh nhiều vấn đề của dự thảo Luật, trong đó tập trung vào 4 vấn đề quan trọng: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lấy ý kiến Nhân dân thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy sâu sắc quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần tạo nên bước tiến quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này là những nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: (1) Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; (3) Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; (4) Chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; (5) Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quán triệt yêu cầu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm như: ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; phân bổ, giao dự toán chậm; chi chuyển nguồn ngân sách lớn; việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều sai phạm, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, cơ quan chức năng khác chưa nghiêm…; từ đó, đóng góp giải pháp, đề xuất cách làm để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.
Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, xem xét toàn diện, thống nhất và cẩn trọng, dự báo những vấn đề lớn, mới có thể phát sinh, đề xuất giải pháp phù hợp để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thứ tư, về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899