Sản xuất công nghệ chủ chốt, giành thị phần xuất khẩu
TCDN - Bước vào năm 2021, thị trường Việt Nam liên tiếp đón nhận các dự án triệu đô vào lĩnh vực công nghệ. Điều này vừa tạo lợi ích kinh tế, vừa tạo cơ hội để Việt Nam thành công trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất công nghệ chủ chốt, giành thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.
Trỗi dậy mạnh mẽ
Theo nhận định báo cáo "Vietnam at a glance" vừa được HSBC công bố, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở ngành công nghệ đã giúp Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong dịch, thu hút sự quan tâm của nhiều ông lớn trong ngành công nghệ thế giới.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vốn giải ngân ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2%.
Ngay đầu tháng 2/2021, dự án tăng vốn 750 triệu USD của LG Display đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau 4 lần điều chỉnh tăng vốn, đây trở thành dự án FDI lớn nhất tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng và dự kiến có thể bắt đầu đi vào sản xuất tháng 5/2021.
Trong khi đó, sau thành công của dự án Nhà máy sản xuất các loại máy tính bảng, máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang,Tập đoàn Foxconn mong muốn được đầu tư vào một khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD tại Thanh Hóa, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100.000 - 150.000 lao động.
Trước đó, Tập đoàn công nghệ Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) - địa điểm lắp ráp và kiểm định chip điện tử lớn nhất trên toàn cầu của hãng, trong vòng 17 tháng qua. Khoản đầu tư này được tập trung vào hoạt động sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi. Động thái mở rộng này nhằm giúp hãng “tiếp nhận các công nghệ phức tạp hơn”, cũng như đa dạng hóa sản xuất ra những sản phẩm khác, bên ngoài mặt hàng chủ lực là bộ xử lý trung tâm của máy tính (CPU).
Các chuyên gia HSBC cho biết năm qua, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam phát triển khá tốt. Nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất công nghệ chủ chốt, giành được thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.
Đặc biệt, việc chuyển hướng chuỗi cung ứng đã làm gia tăng mối quan tâm của các đại gia công nghệ tại Việt Nam.
Xu hướng gia tăng trong thương mại Mỹ - Trung căng thẳng có lợi cho Việt Nam không chỉ về thương mại bùng nổ mà còn cả FDI chuyển hướng.
Việt Nam cũng đang nổi lên như một nhà cung cấp chip xử lý, điều khiển dù loại do Việt Nam lắp ráp là loại chip có giá trị tương đối thấp. Trong khi Trung Quốc sản xuất 70% máy tính trên toàn cầu thì Việt Nam đang vươn lên sản xuất máy tính thành phẩm, hỗ trợ nhu cầu sử dụng chip.
Việt Nam đã chứng tỏ khả năng leo lên chuỗi giá trị cao hơn, phát triển thành một trung tâm sản xuất các sản phẩm công nghệ sau hai thập kỷ.
Báo cáo nhận định mặc dù quá trình này có phần bị gián đoạn do đại dịch, nhưng FDI vào công nghệ vẫn đang diễn ra tích cực, đặc biệt là các dự án liên quan đến Hãng Apple. Hãng công nghệ này đã sản xuất AirPods ở Việt Nam từ tháng 5-2020 và được cho là sẽ bắt đầu sản xuất iPad sớm nhất vào giữa năm 2021.
Đến nay, hai nhà cung cấp Apple Đài Loan, Pegatron và Foxconn, đều đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ để tăng cường năng lực sản xuất của họ tại Việt Nam. Ngoài ra, hai nhà lắp ráp Apple của Trung Quốc đại lục, Luxshare và Goertek, có tăng tuyển dụng và bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất mới từ cuối năm 2020.
Thu hồi dự án chậm triển khai
Để nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong tương lai, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần "hoá giải" những thách thức, điểm nghẽn trong thu hút FDI chất lượng những năm qua. Đó là điều kiện mặt bằng sản xuất và nguồn nhân lực để đón dòng vốn FDI mới.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đang rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả... để thu hồi; Xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng...; Xem xét bổ sung quy hoạch khu công nghiệp để đón dòng vốn FDI mới.
Đồng thời, triển khai đào tạo lao động trong các ngành nghề chất lượng cao, như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử - viễn thông, cơ khí - chế tạo. Rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), hiện nguồn nhân lực công nghệ mới của Việt Nam có số lượng còn rất hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, ngoại trừ Singapore, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá vượt lên các quốc gia còn lại trong khu vực nếu có định hướng đầu tư đúng và tập trung mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ mới.
Tuy nhiên, vì điều kiện và mức độ phát triển của nền kinh tế xã hội Việt Nam chậm hơn các quốc gia trên nên nguồn nhân lực công nghệ cao cũng bị chậm nhịp hơn trong việc tiếp cận những cái mới.
Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) nhận định, hiện Việt Nam là nơi lý tưởng để đầu tư, nhưng với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới, nhà đầu tư lớn đang xem xét lựa chọn địa điểm đầu tư thì họ quan tâm hơn đến các chính sách ưu đãi (như về thuế, đơn giản hóa các thủ tục…) và cam kết của Chính phủ chứ không chỉ là vấn đề nguồn nhân lực hay một số tiềm năng đã có. Chính vì thế Việt Nam cần tạo ra một khuôn khổ để các nhà đầu tư lựa chọn, có những chính sách ưu đãi gắn với trách nhiệm… thì mới cạnh tranh được với các nước khác.
Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhưng chưa phải đã giải quyết được 100% các vấn đề đã và đang tồn tại và nảy sinh. Như đối với lĩnh vực sản xuất thì tương đối tốt, các giấy phép nhanh và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp…
Đối với một số lĩnh vực đầu tư khác, để có được giấy phép vẫn mất thời gian nhiều hơn so với kế hoạch của nhà đầu tư. Ví dụ, một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thì vẫn mất nhiều thời gian, thủ tục còn phức tạp và thường bị chậm trễ.
Hay lĩnh vực năng lượng của Việt Nam cũng tiếp tục cần cải thiện. Đây là lĩnh vực quan trọng, muốn thu hút được các dòng vốn đầu tư lớn như đầu tư vào sản xuất thép hay sản xuất đồ bán dẫn thì nguồn cung cấp điện ổn định là yếu tố tiên quyết. Bởi chỉ một lần phải dừng vì sự cố nguồn điện thì các nhà máy đó sẽ bị thiệt hại rất lớn. Điều đó cũng chính là một thách thức để thu hút được các nhà đầu tư lớn. Nguồn cung điện thì nhà sản xuất (các tập đoàn lớn) họ sẽ không thể tự đầu tư, đó là một phần trong cơ sở hạ tầng mà Nhà nước phải làm và phải đảm bảo. Chính vì vậy kế hoạch phát triển điện như thế nào phải được xây dựng chi tiết và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
Minh Châu
email: [email protected], hotline: 086 508 6899