SCIC được nhận ủy thác bán vốn tại doanh nghiệp
TCDN - Đây là cơ chế thoái vốn đặc thù của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cho biết, theo cơ chế hoạt động hiện nay của SCIC tại Nghị định số 148/2017/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, Nghị định số 151/2013/NĐ-CP và Nghị định số 147/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, quy định quyền của SCIC được nhận ủy thác đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Xét thực tế một trong những nhiệm vụ hoạt động chính của SCIC là đầu tư kinh doanh vốn, thoái vốn tại doanh nghiệp đã đầu tư, tiếp nhận (SCIC là tổ chức thoái vốn chuyên nghiệp) thì việc bổ sung quy định cho phép SCIC được thực hiện hoạt động nhận ủy thác bán vốn cùng với hoạt động nhận ủy thác đầu tư hiện nay là hợp lý và phù hợp với chức năng hoạt động của SCIC.
Việc nhận ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước để cùng chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC trên cơ sở cam kết cùng thực hiện cũng xuất phát từ trường hợp thực tế phát sinh mà Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vướng mắc khi SCIC và đầu tư nước ngoài khác đang sở hữu lượng cổ phần lớn tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh là AXA (Pháp) thoái vốn. Việc quy định SCIC nhận ủy thác bán vốn trường hợp này phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch, tránh khiếu kiện của các cổ đông khác.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, về cơ bản trong trường hợp này (do có bán vốn của SCIC) việc bán vốn sẽ thực hiện theo cơ chế bán vốn của SCIC theo quy định hiện hành. Tuy nhiên do có sự tham gia của chủ sở hữu vốn khác cùng bán với SCIC, nếu không của DNNN khác thì việc bán vốn của chủ sở hữu vốn này vẫn phải đảm bảo các quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật chứng khoán. Ví dụ: nếu tổ chức phát hành có lỗ lũy kế hoặc lỗ phát sinh tại thời điểm chào bán thì không được thực hiện bán vốn.
Căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, bổ sung khoản 12 Điều 29a Nghị định số 32/2018/NĐ-CP quy định đối với SCIC theo hướng: SCIC được nhận ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước để cùng chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC trên cơ sở cam kết cùng thực hiện chuyển nhượng vốn, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc thực hiện chuyển nhượng vốn trong trường hợp này được thực hiện theo cơ chế bán vốn của SCIC nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán về chào bán chứng khoán ra công chúng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899