Tại sao sai phạm chứng khoán, bất động sản "qua mặt" cơ quan quản lý khá dễ dàng?

01/06/2022, 10:05

TCDN - Theo đại biểu Tạ Thị Yên, cử tri thắc mắc khi thấy sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.

Sáng 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, hiện nay đang có thực tế chậm giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng.

Theo bà Yên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỉ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).

Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Đặc biệt, theo đại biểu có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó.

“Cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, đại biểu nói.

Cùng với đó, theo đại biểu với một quốc gia đông dân, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc trục ngang lên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển. Vì vậy, cần khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn có sự phát triển nhất định, tuy nhiên đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này. Cụ thể, các Bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định liên quan.

Đại biểu cho rằng cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này.

Lê Thị Nga
Bạn đang đọc bài viết Tại sao sai phạm chứng khoán, bất động sản "qua mặt" cơ quan quản lý khá dễ dàng? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Loạt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán bị kỷ luật, Bộ Tài chính nói 'không ảnh hưởng tới thị trường'
Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo kỷ luật loạt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định, những sai phạm của các cá nhân sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị 'lưu ý bất ổn' của thị trường tài chính và bất động sản
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội lưu ý những tác động và khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước… đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế xã hội.