Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu, bia như thế nào?

04/05/2022, 15:32

TCDN - Trong giai đoạn tới ngành Thuế phải xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt đặt ra nhiệm vụ cải cách chính sách thuế. Theo đó, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam, trong cả khu vực chính thức và phi chính thức có tốc độ tăng rất nhanh trong 10 năm trở lại đây.

Cụ thể, giai đoạn 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 3,8 lít/ người/năm; giai đoạn 2008-2010 là 6,6 lít/ người/năm và đạt 8,3 lít/người/năm trong giai đoạn 2015-2017.

tang-thue-ttdb-ruou-bia

Nghiên cứu được CIEM thực hiện trong bối cảnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với đồ uống có cồn - phương pháp thuế tương đối - được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, bảo vệ sức khỏe người dân cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhất là khi khu vực đồ uống có cồn phi chính thức vẫn đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo CIEM, thuế tương đối cũng không phù hợp với thực tiễn quốc tế khi phần lớn các nước phát triển, các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á đã chuyển sang thuế tuyệt đối (tính trên lít cồn hoặc lít sản phẩm) hoặc thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối). Mặt khác, ở Việt Nam hiện còn thiếu các nghiên cứu định lượng nhằm chỉ ra mô hình thuế nào là phù hợp, giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu chính sách và quan trọng hơn, tác động của mô hình đó đối với giảm mức tiêu thụ ra sao, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách như thế nào. 

Trong nghiên cứu này, CIEM đã thực hiện kiểm chứng hiệu quả của phương pháp đánh thuế hỗn hợp so với thuế tương đối tại Việt Nam thông qua các tính toán định lượng dựa trên mô hình thuế của Đại học Charles Sturt (Úc), nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Nghiên cứu Rượu Quốc tế (IWSR).

Kết quả nghiên cứu chỉ ra tính ưu việt của mô hình thuế hỗn hợp - kết hợp phương pháp thuế tương đối trên giá bán buôn và phương pháp thuế tuyệt đối trên từng lít sản phẩm tiêu thụ hoặc lít cồn nguyên chất – so với phương pháp thuế tương đối hiện hành trong việc giảm tiêu thụ đồ uống có cồn gây hại, ổn định nguồn thu ngân sách. Cụ thể, phương pháp thuế hỗn hợp sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 25% so với phương pháp thuế tương đối hiện hành và mức tiêu thụ toàn ngành sẽ giảm 5%.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, việc lượng rượu phi chính thức đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam “vừa thiệt thòi cho ngân sách nhà nước, vừa nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng”. Vì vậy, cần tăng cường hiệu quả quản lý đối với khu vực đồ uống có cồn phi chính thức và kết hợp nhiều giải pháp chính sách khác ngoài thuế để hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn một cách hiệu quả.

CIEM khuyến nghị Chính phủ nên ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau nhiều năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong tương lai dài hạn, nhằm phục vụ cho việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ cân nhắc áp dụng phương pháp đánh thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay vì thuế tương đối do tính ưu việt của mô hình thuế này trong việc giúp đạt được các mục tiêu chính sách cũng như phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam.

Trong khi đó, ông nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, đề nghị tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá và đồ uống có cồn.

Theo ông Trung, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam gây ra những gánh nặng về bệnh tật, tử vong và kinh tế ở cả cấp hộ gia đình và quốc gia. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới thì Việt Nam có trên 15 triệu người hút thuốc với số lượng tiêu thụ hằng năm khoảng hơn 4 tỷ bao thuốc lá 1 năm. Mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 31.000 tỷ đồng để mua và khoảng 24.000 tỷ đồng để dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

“Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, tôi kiến nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn. Cụ thể, nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng một bao, bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% đang áp dụng thì sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người hút thuốc. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 14.000 tỷ đồng một năm”, ông Nguyễn Thành Trung nói.

Đối với đồ uống có cồn, ông Trung cho rằng, hiện nay tiêu dùng bia, rượu ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, gây ảnh hưởng lớn đến y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề về xã hội. Giá rượu, bia của Việt Nam thì hiện nay cũng rất rẻ, sức mua tăng mạnh do thu nhập tăng nhanh, trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng bia, rượu đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu tăng.

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thuốc lá

Tại Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan mới đây, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm. Bộ Tài chính đề xuất mặt hàng chứa nicotine, chứa thuốc lá dùng để hít mà không cần đốt cháy áp dụng mức thuế suất MFN là 50%, bằng mức thuế suất hiện nay của mặt hàng thuốc lá thành phẩm để đảm bảo thống nhất về thuế suất và tránh gian lận trong phân loại do các mặt hàng trên có công dụng và bản chất là thuốc lá.

Mặt hàng chất thay thế thuốc lá, thay thế nicotine, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thuế suất MFN 505 do bản chất đã có đặc trưng cơ bản của thuốc lá thành phẩm.

Mặt hàng khác có chứa nicotine dùng để hấp thụ vào cơ thể người (như kẹo cao su có chứa nicotine, miếng dán nicotine): để đảm bảo thống nhất về thuế suất để tránh gian lận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, áp mã, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cùng mức 50% (do mặt hàng này cũng là loại dùng tương tự như thuốc lá nhưng không phải ở dạng hút bằng đốt cháy mà ở dạng ngấm qua da hoặc bằng đường ăn thông thường).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án này sẽ đảm bảo thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế sử dụng thuốc lá, đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện chính sách quản lý đối với mặt hàng thuốc lá.

Việc thực hiện phương án này có thể góp phần tăng thu ngân sách nhà nước do một phần từ các chế phẩm hóa học có thuế suất 0% và hỗn hợp hóa chất có thuế suất MFN là 15% được chuyển sang mã này và nâng lên mức thuế suất 50%.

Thanh Tầm
Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu, bia như thế nào? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan