Tập huấn kỹ năng thông tin, truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động

12/09/2019, 11:27

TCDN - Ngày 12/9, Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai tổ chức Hội nghị đối thoại và Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin, truyền thông cho truyền thông viên nguồn về an toàn vệ sinh lao động tại Lào Cai.

20190912_084454

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động được Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp quan tâm, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của ngừi lao động và cộng đồng về an toàn vệ sinh lao động. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, các bộ ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương đã tổ chức khoảng 300 hội nghị triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động. Tại các địa phương, bình quân mỗi năm tổ chức khoảng 200 hội nghị triển khai văn bản pháp luật mới về an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp; tuyên truyền cho trên 750 làng nghề và trên 1.900 hợp tác xã, 12.000 hội viên nông dân làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.

Thông tin về công tác tuyên truyền huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Lào cai, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai cho hay, 6 tháng đầu năm 2019 các ngành đã tổ chức 169 lớp tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 1.2652 lượt người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động và người lao động; tổ chức hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động cho trên 50 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn vệ sinh lao động và các chế độ, quyền lợi của người lao động như: chưa tổ chức huấn luyện an tòa vệ sinh lao động và khám sức khỏe cho người lao động, chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động… Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn lao động làm 10 người chết, 16 người bị thương nặng. Thiệt hại do tai nạn lao động là 1.871 triệu đồng.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động ở một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự rộng khắp, đặc biệt các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp từ địa phương khác trúng thầu, thi công công trình trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Phạm Thị Thúy – Phó trưởng phòng Huấn luyện, thông tin an toàn vệ sinh lao động – Cục An toàn lao động, các chủ cơ sở, hộ gia đình và người lao động chưa quan tâm, đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động.

Người lao động thiếu kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh lao động, thái độ chủ quan về nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chưa có ý thức kỷ luật lao động.

Trong khi, các hoạt động, tài liệu truyền thông còn mang tính chung chung, chưa có sự phân loại cụ thể đến từng nhóm đối tượng cho sát với trình độ nhận thức, trình độ công nghệ, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, các chủ thể tham gia lao động sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các chính sách, quy định của Nhà nước trong khu vực không có quan hệ lao động. Trong đó, cần nhấn mạnh thông tin tuyên truyền về quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia sản xuất.

Thứ hai, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền, nhất là ở cấp quận, huyện, xã, phường về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền.

Thứ ba, các cấp, các ngành cần đầu tư kinh phí thảo đáng cho công tác thông tin tuyên truyền tới khu vực không có hợp đồng lao động. Theo đó, cần tập trung ưu tiên đến các ngành, nghề có nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động như: các làng nghề cơ khí, chế biến thực phẩm, tái chế…

Thứ tư, đổi mới hình thức, nội dung thông tin tuyên truyền theo yêu cầu: nội dung phỉ phù hợp, đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và phải thiết thực. Đồng thời phải tập trung vào các hướng dẫn cụ thể để cải thiện điều kiện lao động, tận dụng được các nguyên liệu, nhân lực sẵn có để cơ sở, người dân có thể triển khai được.

Thứ năm, bên cạnh sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng tại cơ sở, cần đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương, mô hình điển hình về an toàn vệ sinh lao động.

Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động với các cơ quan thông tin tuyên truyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội theo hướng đan xen các nội dung, hình thức tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Tập huấn kỹ năng thông tin, truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận