Cực chẳng đã, ông Nguyễn Đình An, 74 tuổi, đại diện cho 20 hộ dân khu CL8, phố 12, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa đã gửi đơn kêu cứu đến Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa sau 16 năm sống mòn giữa lòng thành phố vì dự án treo.

title1

Tìm đến nhà ông Nguyễn Lộc Lào, 60 tuổi chúng tôi phải mất năm lần bảy lượt hỏi thăm người dân trong khu vực vì cả khu dân cư này không có số nhà, tên phố. 20 hộ dân ở đây chỉ được định danh trên bản đồ quy hoạch là khu CL8, hoàn toàn không có bất kì chỉ dấu nào để có thể nhận biết. Những người dân ở đây đã 16 năm nay bị tụt lại phía sau bởi một dự án treo của Công ty Sông Mã.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm có tuổi đời ngót 40 năm, chưa được sửa chữa, ông Lào kể đủ mọi nỗi khổ của phận người vì cả “khu phố treo” ngót vài thập kỉ giữa lòng thành phố đang đổi thay hàng ngày. Chưa nói đến những chuyện sinh hoạt hàng ngày, duy chỉ việc chỉ tên đường, gửi bưu chính hay mua hàng online cũng đã bất tiện bởi cám cảnh hiện thực “nhà không số, phố không tên”. Ông Lào cho biết, nguồn cơn tấn bi kịch của cả khu phố tóm tắt lại vài câu như sau: “Vào năm 2005, gia đình tôi nằm trong khu giải phóng mặt bằng tái định cư tại chỗ để làm tuyến “Đường vành đai Đông Tây”.

Theo đó, gia đình tôi nằm trong vị trí lô đất CL8 nhưng đến nay sau 16 năm, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện được. 16 năm nay chúng tôi cứ sống vất vưởng như thế trước sự thờ ơ, vô cảm của chính quyền và chủ đầu tư là Công ty Sông Mã”. Khi biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu vụ việc và cất lên tiếng nói của người dân trong khu phố, ông Lào miễn cưỡng tiếp chuyện nhưng không mấy tin tưởng. Bởi trước chúng tôi cũng đã có nhiều cơ quan báo chí xuống đây tìm hiểu nhưng rồi vì một lý do gì đó họ im lặng. Duy chỉ có truyền hình tỉnh lên tiếng nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy. Ông Lào cũng chia sẻ việc người dân trong khu phố cũng đã nhiều lần đến phòng tiếp dân đến độ lễ tân ở đó đã nhẵn mặt.

Cán bộ tiếp dân sau khi nhận đơn của người dân chỉ biết động viên “Chia buồn với gia đình các bác”, còn việc giải quyết thì vẫn chưa đi đến đâu cả. Nhiều lần, người dân trong khu phố cũng đã họp nhau lại để tìm cách tự tháo gỡ khó khăn cho mình. Thế nhưng người dân đi lại mãi, nhiều người đã chán nản, buông xuôi, mất niềm tin vào chính quyền, vào công lý. Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, ghi chép, ông Lào tâm sự: Tội nhất là lũ trẻ. 

Mỗi lần lũ trẻ đi học, đi chơi với trẻ con làng xóm hay có bạn bè ghé chơi nhìn thấy cảnh sinh hoạt lụp xụp của người dân nơi đây là một lần gia đình lại một phen đau lòng. Trẻ con vô tư, gọi một câu xóm ổ chuột thôi là tấm lòng người làm ông làm bà, người làm cha lạm mẹ lại thắt lại. 16 năm, vị chi là gần 6.000 ngày đêm khi nào cũng canh cánh nỗi bận tâm, mặc cảm trong lòng. Thế nhưng, những người dân như ông Lào chỉ biết trách số phận mình, bởi kêu mãi mà không ai chịu giải quyết. Tất cả đều im lặng.

Quote1
Hình ảnh gia đình ông Lào

Hình ảnh gia đình ông Lào

title2

Sát vách nhà ông Lào là nhà bà Nguyễn Thị Oanh, người đàn bà 65 tuổi cùng chung cảnh ngộ. Gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ là chỗ chui ra chui vào sinh hoạt tạm bợ vì nó đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bà Oanh cho biết, gia đình bà đã sinh sống ở đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, nhà nước có chủ trương giãn dân nên nhiều hộ gia đình trẻ chuyển ra đây sinh sống, xây nhà, dựng cửa. Khi đó, khu vực này là bãi mả và ruộng rau muống. Bằng sức lao động của mình, gia đình bà đã dựng xây lên tổ ấm nho nhỏ ở đây. Các gia đình khác trong khu cũng đã ra đây định cư ngót 4 thập kỷ. Gọi là định cư, nhưng mấy chục năm trời gia đình bà cũng như các hộ dân khác chưa bao giờ được cầm tấm sổ đỏ, thực chất chỉ là một người vô gia cư trong chính ngôi nhà của mình. Đó là một bi kịch dài mà không chỉ người đàn bà có tuổi này mà cả khu dân cư nơi đây đã trải qua suốt 16 năm trời đằng đẵng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm “tư gia” của mình, bà Oanh chỉ biết than thở. Tất cả những bức tường xây vài chục năm đã hư hỏng, rêu mốc, mái ngói lỗ chỗ chỉ trú được nắng mà không che được mưa. Chỗ kê giường nằm phải che thêm tấm áo mưa ở trên để mỗi khi mưa gió không dột vào người. Khu công trình phụ đã xuống cấp như một phế tích.

Bà Oanh chia sẻ, vì nằm trong lòng dự án treo nên các hộ dân nơi đây đều rơi vào thảm cảnh đi chẳng được, ở không xong. Mỗi khi mưa nước dâng lên đến gầm giường vì hệ thống cống rãnh không có. Rắn rết, ruồi muỗi, đến cả ếch nhái, giun dế, chuột bọ bò vào khắp nhà. Vì nằm trong diện quy hoạch nên đừng nói đến việc cất lại ngôi nhà mới mà chỉ riêng việc cải tạo sửa chữa cũng không được cấp phép. Ngay đến chuyện ra phường làm giấy tờ đôi khi cũng khó khăn vì bi kịch nhà không số, phố không tên. Bà Oanh cho biết thêm, nhìn những dãy nhà cao ốc, chung cư, biệt thự đang mọc lên hàng ngày ngay sát khu dân cư nhà mình mà cay đắng. Nếu nhà nước cho dân tái định cư tại chỗ, thì mỗi gia đình có cắt đất bán đi cũng có tiền tỉ. Nhưng cái quyền cơ bản của công dân cơ bản được sở hữu nhà ở thì người dân trong khu cũng bị cái dự án treo này tước đoạt từ hàng chục năm nay.

Hình ảnh gia đình bà Oanh

Hình ảnh gia đình bà Oanh

Gần 20 năm cầm bút, đã đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh nhưng thú thật, tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi giữa lòng thành phố Thanh Hóa, một đô thị loại 1 có tốc độ phát triển, đô thị hóa vào loại cao nhất cả nước lại có những người dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp đến mức độ như nơi đây.

title3

Trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, cũ kỹ, dột nát của hộ gia đình bà Lê Thị Chẽ, chỉ có một khoảng be bé được che chắn cẩn thận, tránh nước mưa dột xuống. Ở chỗ đó, nơi trang trọng nhất trong căn nhà, gia chủ treo trang trọng tấm ảnh chân dung Bác Hồ và những tấm bằng khen cũ. Phía trên là ban thờ gia tiên nho nhỏ. Căn nhà nhỏ xuống cấp này là nơi cư trú của 8 người, trong đó có 2 ông bà già và hai đứa cháu. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống gia đình sẽ diễn ra như thế nào đối với 8 con người trong một không gian chật chội, xuống cấp của 3 thế hệ.

Hình ảnh gia đình bà Chẽ

Hình ảnh gia đình bà Chẽ

Đang trò chuyện thì ông Nguyễn Đình An, chồng bà Chẽ về. Ông An cho biết ông vừa ra bưu điện để gửi Đơn kêu cứu đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố. Dù không nhiều hy vọng nhưng cứ lâu lâu ông lại đi gửi đơn đến các cơ quan chức năng để chính quyền và chủ đầu tư quan tâm đến gia đình ông và những người hàng xóm đồng cảnh ngộ.

Ông An chia sẻ, nhiều gia đình trong khu phố chỉ biết sống thui thủi một mình, tết nhất, giỗ chạp cũng không dám mời ai vì mặc cảm, tự ti. Có gia đình, nhất là các bạn trẻ cũng lỡ dở tình duyên vì không phải gia đình thông gia nào cũng vượt qua được rào cản tâm lý thông thường, cho con cái mình về làm dâu, làm rể ở khu ổ chuột này. Cứ thế, năm này tháng nọ qua đi, niềm hy vọng vào công lý của các hộ dân ở đây như gia đình ông ngày càng cạn kiệt. Đã ở cái tuổi cổ lai hy, ông chỉ còn một nỗi canh cánh bên lòng cuối cùng là được nhà nước quan tâm cho tái định cư, làm sổ đỏ để sau này có mất đi, cũng được con cháu thờ tự trong ngôi nhà mang tên mình.

Ông Nguyễn Đình An cho biết, khi đọc báo, nghe đài, ông rất tin tưởng vào thế hệ những lãnh đạo mới thuộc thế hệ 7x của tỉnh nhà, của thành phố. Và thực sự gần đây, tình hình đã bắt đầu ít nhiều có biến chuyển. Sau nhiều lần các hộ dân sống trong lô CL8 chúng tôi làm đơn trình lên các cấp nhưng không được giải quyết, ngày 5/10/2020 UBND Thành Phố Thanh Hoá có công văn số 5068 để giải quyết đơn cho các hộ dân đang sống trong lô CL8.

Empty
Empty

Trong 16 năm chờ đợi giải phóng mặt bằng nhà cửa của tôi không được phép sửa chữa, nâng cấp, nên đến thời điểm này đã xuống cấp tới mức không thể ở được nữa. Mặt khác, các con tôi lớn lên lập gia đình, các cháu được sinh ra nên nhân khẩu ngày một tăng, mà nhà cửa ngày càng hư hỏng, căn nhà lâu năm, chỗ ở hạn hẹp không còn đủ cho các thành viên trong gia đình sinh hoạt, hệ thống cống thoát nước chung của khu dân cư lô CL8 do quá lâu không được phép xây dựng, tu sửa nên bị tắc nhiều đoạn gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Ông An chia sẻ thêm, ông chỉ tha thiết mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo công ty sông Mã trực tiếp xuống khảo sát tình hình cuộc sống của người dân nơi đây, cùng ăn, cùng ở một ngày với dân để thấm thía nỗi thống khổ mà họ đã chịu đựng trong ngót 6.000 ngày cay đắng.

8
title4

Cách đây ít lâu, khi phỏng vấn ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa về thời cơ của tỉnh nhà khi Bộ Chính trị thông qua cơ chế đặc quyền, nhằm từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, ông Cuông có nhắc đi nhắc lại một điều mà bản thân ông rất tâm đắc, đó là: Làm sao để không một người dân Thanh Hóa nào bị bỏ lại phía sau.

Để làm được việc này thì bên cạnh việc đầu tư vào các khu kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, lãnh đạo tỉnh phải luôn quan tâm, đầu tư các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nếu như kinh tế phát triển lại tạo ra chênh lệch giàu nghèo lớn, tạo ra sự tương phản sâu sắc hơn giữa các khu vực đô thị và nông thôn thì sự phát triển ấy chưa toàn diện. Bởi suy cho cùng, phát triển kinh tế không phải là tạo ra những bản báo cáo hoành tráng, những con số tăng trưởng, thu ngân sách mà đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân. Nếu như báo cáo hoành tráng đến đâu, tốc độ phát triển cao đến đâu nhưng người dân vẫn khổ thì những con số ấy đều vô nghĩa.

Từ điều tâm huyết ấy của vị đại biểu luôn nổi tiếng về nói thẳng, càng thấm thía hơn nỗi thống khổ mà những người dân ở khu CL8 đang phải trải qua suốt 16 năm qua. Thành phố Thanh Hóa đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một đô thị văn minh, đáng sống. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đang nỗ lực để thành phố quê hương thật sự trở thành trái tim của cả tỉnh, nơi đang trở thành điểm sáng phát triển mới của cả nước. Trong tương lai không xa, Thanh Hóa sẽ sánh vai cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc. Trong công cuộc đổi mới ấy, những người dân ở CL8 chắc chắn sẽ không thể tiếp tục tụt lại phía sau.

Một con đường được vẽ ra trên giấy, một dự án treo không chỉ tồn tại trên giấy. Con đường treo ấy còn đóng đinh những phận người trong khu vực giải tỏa của dự án, khiến họ bị tụt lại phía sau.

Một số hình ảnh khu nhà:

17
18
11

                                                                                                                                                                                                                             Thiên Anh

Thiên Anh