Thanh Hóa tụt hạng trong thu hút dự án FDI
TCDN - Trong cuộc đua thu hút vốn ngoại, Thanh Hóa từng là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉnh này đang có dấu hiệu “hụt hơi”, thậm trí là tụt hạng trong cuộc đua này.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, 9 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa thu hút 13 dự án, với tổng vốn đăng ký 187 triệu USD tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Lũy kế tới quý 3/2023, tỉnh Thanh Hóa có 150 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD.
Mặc dù vậy, theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Thanh Hóa về thu hút FDI trong những năm gần đây cho thấy, địa phương này đang có dấu hiệu chững lại trong hoạt động thu hút FDI, sau nhiều năm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Cụ thể, năm 2021, Thanh Hóa thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD và 14,8 triệu USD vốn điều chỉnh; năm 2022, Thanh Hóa thu hút được 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký vỏn vẹn 71,2 triệu USD, thuộc diện thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong tổng số 14,6 tỷ USD đăng ký (còn hiệu lực) lũy kế mà tỉnh Thanh Hóa thu hút được, phần lớn tới từ một số dự án trọng điểm, đã được đầu tư từ nhiều năm trước như: Xi măng Nghi Sơn vốn 650 triệu USD từ năm 1997, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn hơn 9,3 tỷ USD từ năm 2008, hay mới đây như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn với số vốn 2,8 tỷ USD cũng đã từ trước năm 2018... Chỉ tính riêng 3 dự án nói trên đã chiếm tới khoảng 90% số vốn FDI lũy kế mà địa phương này thu hút được từ trước tới nay.
Đáng chú ý, trái ngược với kết quả khiêm tốn của Thanh Hóa là bước tiến lớn về thu hút vốn FDI của các tỉnh trong khu vực. Thực tế trong một vài năm trở lại đây, Nghệ An đang nổi lên là điểm sáng trong thu hút FDI. Đây là tỉnh hàng xóm lân cận, với nhiều nét tương đồng, thậm chí là thua thiệt so với Thanh Hóa.
Theo số liệu thống kê, chỉ trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã thu hút khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, được đánh giá cao về công nghệ tìm tới Nghệ An đầu tư như: Tập đoàn Foxconn – đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple; Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn; Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử, năng lượng xanh... Đáng chú ý, trước thời điểm năm 2022, lũy hế thu hút FDI của Nghệ An chỉ vỏn vẹn ở mức hơn 1,5 tỷ USD.
Tiếp đó, là Hà Tĩnh hiện cũng được xem như điểm sáng trong thu hút dòng vốn ngoại FDI. Với điểm xuất phát sau, là tỉnh nhỏ, nhiều hạn chế về diện tích, tài nguyên, nguồn lao động,... so với Thanh Hóa, tuy nhiên, Hà Tĩnh đã dần trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính tới tháng 5/2023, lũy kế địa phương này đã thu hút được 68 dự án FDI, với vốn đăng ký lên tới 16 tỷ USD, nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI của cả nước.
Có thể thấy, trong cuộc đua thu hút vốn FDI khu vực Bắc Trung Bộ thì Thanh Hoá đang phải đối mặt với nguy cơ "đuối sức" so với các địa phương khác trong khu vực.
Theo khách quan mà nói, hiện nay Thanh Hoá đang phải đối mặt với việc đang đi chậm lại hơn so với các tỉnh, thành lân cận điển hình như Hà Tĩnh, Nghệ An.
Nhiều năm trước đây, Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển chậm hơn rất nhiều so với Thanh Hoá. Tuy nhiên, hai địa phương này tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp rất nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nếu không thay đổi, phát triển công nghiệp của Thanh Hóa sẽ sớm bị bỏ lại.
Để tìm giải pháp, trong các năm qua, lãnh đạo Thanh Hóa đã rất tâm huyết, cố gắng thực hiện nhiều chuyến làm việc, hội nghị xúc tiến đầu tư với các đoàn công tác, tổ chức nước ngoài lớn như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan... trong đó, đáng chú ý đã phối hợp, tổ chức thành công sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa để thúc đẩy thu hút đầu tư.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đang nỗ lực tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) tại Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Với 8 KCN ngoài KKTNS, hiện chỉ mới có 5 KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa hoàn chỉnh.
Trong giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại KKTNS, các KCN và khu vực trọng điểm. Điều này đã được cụ thể hóa một phần tại Nghị quyết 357/NQ-HĐND ngày 11-12-2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các KCN trong KKTNS”. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2027, Thanh Hóa sẽ dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các KCN trong KKTNS.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899