Thanh tra chỉ thêm 3 sai phạm của Tân Thuận IPC

15/09/2019, 09:51

TCDN - Theo Thanh tra thành phố, những vụ việc có dấu hiệu sai phạm này đã gây bất lợi và thiệt hại cho vốn Nhà nước (do Công ty IPC làm chủ sở hữu), có dấu hiệu vi phạm Điều 179 BLHS năm 2015 quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Cơ quan thanh tra cho rằng, trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng và Phó chủ tịch UBND thành phố.

Cơ quan thanh tra cho rằng, trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng và Phó chủ tịch UBND thành phố.

Thanh tra Tp.HCM vừa có báo cáo Thanh tra Chính phủ về các vụ sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) dưới thời Tổng giám đốc Tề Trí Dũng.

Theo Thanh tra thành phố, ngoài những sai phạm đã được cơ quan chức năng nêu trước đó, doanh nghiệp này còn có những sai phạm khác tại 3 dự án.

Cụ thể,  sai phạm đầu tiên liên quan Công ty IPC thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD, công ty con của IPC) năm 2015.

Trong phương án Thủ tướng phê duyệt trước đó về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Tp.HCM, IPD khi cổ phần hóa chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Công ty IPC và Công ty IPD, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Tất Thành Cang đã kết luận và chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước nắm tại Công ty IPD là 65%.

Tiếp đó, ngày 30/12/2015, một Phó chủ tịch khác của TP HCM ra Quyết định 7116 chấp thuận phương án cổ phần hóa tại IPD, nhà nước nắm giữ tới 75% vốn điều lệ.

Ngoài ra, theo phương án cổ phần hóa, Công ty ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng. Tuy nhiên, ESL đã góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng. Trong đó ESL chỉ góp 20% vốn điều lệ.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty IPD trở thành Công ty ESL. Tuy nhiên, Thanh tra thành phố xác định ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật "phục vụ nhóm lợi ích". Công ty IPD cũng bị xác định sai khi tính giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa không phù hợp, dẫn tới giảm giá trị tài sản nhà nước.

Cơ quan thanh tra cho rằng, trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng và Phó chủ tịch UBND thành phố.

Tại dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), IPC được giao đất để thực hiện tái định cư cho Khu công nghiệp Hiệp Phước nhưng từ năm 2000 đến năm 2007 đã chuyển nhượng 341 nền đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư. Việc này là không đúng Luật Đất Đai năm 1993 và 2003. IPC cũng tự ý chuyển nhượng 2 block chung cư tại dự án này với giá gần 18 tỷ đồng mà không thẩm định giá - vi phạm quy định Pháp lệnh giá năm 2002.

Cựu tổng giám đốc IPC Tề Trí Dũng quyết định đơn giá đất nền tại dự án Khu dân cư Long Thới từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi m2 là không bảo toàn vốn, có khả năng gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất hơn 43 tỷ đồng.

Liên quan việc IPC chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2 (huyện Nhà Bè) cho Công ty HIPC, Thanh tra thành phố xác định đây thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường. IPC không thẩm định giá, đấu giá để xác định giá thị trường là không đảm bảo quyền lợi chủ đầu tư. IPC cũng chuyển nhượng đất nền tại dự án Khu định cư An Phú Tây (do Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco - một công ty con của IPC làm chủ đầu tư) với giá rẻ có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước.

Theo Thanh tra thành phố, những vụ việc có dấu hiệu sai phạm này đã gây bất lợi và thiệt hại cho vốn Nhà nước (do Công ty IPC làm chủ sở hữu), có dấu hiệu vi phạm Điều 179 BLHS năm 2015 quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Cựu Tổng giám đốc IPC Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, công ty con của IPC) bị Công an Tp.HCM bắt giam hôm 14/5 về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Dũng bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính khi giúp Công ty Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco, hay Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước (công ty con của IPC) bị thâu tóm bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Hành vi này được xác định gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2016-2017, IPC tổ chức cho lãnh đạo công ty đi nước ngoài khi chưa được UBND thành phố cho phép; một số trường hợp đi nước ngoài vượt thời gian được cử đi, trong đó riêng ông Dũng trong 2 năm đi nước ngoài 9 lần, tổng cộng 106 ngày.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Thanh tra chỉ thêm 3 sai phạm của Tân Thuận IPC tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899