Thủ tướng: "Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường"
TCDN - Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước thì quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ngày 18/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành mía đường.
Ngành mía đường kêu khó
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện diện tích trồng mía của nước ta được duy trì trên 270.000ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3-1,5 triệu tấn/năm, giải quyết sinh kế cho trên 35.000 hộ nông dân.
Niên vụ 2018-2019, diện tích, sản lượng mía tại phần lớn các địa phương (trừ 3 tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An) đều giảm.
Hiện nay, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, thách thức như năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp mía đường chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá đường thế giới và khu vực giảm thấp, tình trạng dư cung kéo dài, nhất là trong 3 niên vụ gần đây.
Bên cạnh đó, ngành mía đường đang còn tồn tại nhiều vấn đề như sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu do công tác quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu chưa tốt. Nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa phát huy hiệu quả cao. Địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn, cơ giới hóa.
Một số ý kiến cho rằng, ngành mía đường chưa khắc phục được các vấn đề nội tại. Cụ thể như: thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu còn chưa tốt; nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa phát huy hiệu quả cao; quy mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế; cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý; chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện, việc tổ chức đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường, tận dụng phế phụ phẩm và khâu phân phối sản phẩm chưa thật sự hiệu quả.
"Ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng"
Phát biểu tại phiên họp, trước những khó khăn của ngành mía đường, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước quyết tâm, có giải pháp ủng hộ ngành mía đường cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, nhưng nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành này phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chấp nhận sự đào thải các doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh.
Chính phủ cũng không đồng ý việc tiếp tục đề nghị gia hạn ATIGA cho ngành mía đường (theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ngành mía đường, Chính phủ đồng ý cho hoãn thực Điều 20 ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.
Nhấn mạnh quan điểm xây dựng nền kinh tế tự cường, Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta có nhu cầu đường lớn mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường nước ngoài thì đó là một sai lầm. Do đó, phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường một cách phù hợp với điều kiện hội nhập.
Bên cạnh thách thức, Thủ tướng cho rằng, ngành mía đường cũng có nhiều cơ hội, đó là Chính phủ quan tâm chỉ đạo; thị trường, nhu cầu trong nước lớn, có những vùng, khu vực có thể tổ chức lại sản xuất ngành mía đường.
“Chúng ta không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt, nhưng cơ hội phát triển mía đường vẫn luôn rộng mở với Việt Nam nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn”. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường vẫn còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…
“Nhà nước thì quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Thủ tướng khẳng định và đề nghị ngành mía đường nghiên cứu một số mô hình thành công trên thế giới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899