Thuế tăng mạnh, nỗi lo ôtô nhập khẩu tăng giá mạnh
TCDN - Bộ Công Thương vừa kiến nghị nâng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dòng ôtô dưới 9 chỗ ngồi. Nếu kiến nghị này thành hiện thực, giá ôtô nhập khẩu lại tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng số ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8 tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 96.000 chiếc, trị giá đạt 2,1 tỷ USD.
Con số này tăng 229% về lượng và tăng 205,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượng ôtô nhập khẩu Thái Lan, Indonesia chiếm tỷ lệ lớn tới trên 70% tổng số.
Tìm cách ngăn xe nhập
Bộ Công Thương cho biết tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đang thay đổi đáng kể. Nếu như năm 2017, sản lượng xe sản xuất trong nước cao gấp 2,5 lần xe nhập và năm 2018 cao gấp 3,72 lần thì 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn cao gấp 1,74 lần so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương đánh giá, ưu thế của xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ không giữ được lâu nếu các doanh nghiệp không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được hưởng ưu đãi thuế quan mức 0%.
Tuy nhiên, hiện so với Thái Lan và Indonesia, sản lượng ôtô của Việt Nam thấp thua xa. Thái Lan có sản lượng khoảng 2 triệu xe/năm còn Indonesia có sản lượng khoảng 1,3 triệu xe/năm, trong khi Việt Nam có sản lượng hơn 200.000 xe/năm.
Tỷ lệ nội địa hóa ôtô của Thái Lan từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ 60-80%, còn Indonesia từ 45-70%, trong khi đó của Việt Nam chủ yếu dưới 20%, có một số mẫu đạt từ 37-40%.
Theo giới chuyên môn, sản lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa cũng thấp, nên chi phí sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam cao hơn 20% so với các nước như Thái Lan, Indonesia. Dù có nỗ lực thì các doanh nghiệp cũng khó cạnh tranh ngang ngửa với xe nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay.
Tỷ trọng xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Trong khi đó, mới đây, tại cuộc làm việc với các bộ ngành về việc sửa đổi điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng ôtô nhập khẩu được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Kiểm tra theo kiểu loại, có thể được hiểu là mỗi kiểu loại xe chỉ cần lấy mẫu để kiểm tra khí thải và an toàn lần đầu tiên và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật. Như vậy, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ thông thoáng hơn rất nhiều so với việc kiểm tra theo lô như trước.
Ôtô nhập khẩu tăng giá?
Với lý do để quản lý nhập khẩu ôtô hợp lý trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và phát triển ngành ôtô trong nước, trong báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho rằng “cần duy trì thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP”. Như vậy cũng có thể hiểu là cần duy trì quy định về kiểm tra theo lô như hiện tại.
Hơn nữa, để "tiếp sức" cho ngành ôtô trong nước, Bộ này còn đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế. Điểm đáng chú ý là, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh “nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý”.
Nếu kiến nghị này thành hiện thực, thời gian tới thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô có thể được nâng lên. Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống là 35%, từ 1.500-2.000 cm3 là 40%, từ 2.000-2.500 cm3 là 50%, từ 2.500-3.000 cm3 là 60% và từ 3.000 cm3 trở lên là 90-150%.
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất tăng lên bao nhiêu, với những dung tích xi lanh nào, đến nay chưa có gì cụ thể. Tuy nhiên, nếu tăng thuế thì giá ôtô sẽ tăng, nhất là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, do được đề xuất ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện mua trong nước, có khả năng sẽ không bị ảnh hưởng.
Giám đốc một doanh nghiệp ôtô tính toán, với đề xuất tăng các mức thuế tiêu thụ đặc biệt chung lên cao hơn hiện nay và miễn khoản thuế này cho phần linh kiện mua trong nước, ôtô sản xuất lắp ráp trong nước mới có khả năng cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Ngoài ra Bộ Công Thương còn đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô.
Cùng với đó là một loạt ưu đãi đối với những dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô từ 50 nghìn xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ - hộp số... được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp...
Nếu tất cả những đề xuất này thành hiện thực, chắc chắn giá xe trong nước sẽ rẻ và có khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Theo các doanh nghiệp, thị trường ôtô Việt Nam sẽ đạt quy mô trên 500.000 xe/năm vào sau 2020 và đạt 1 triệu xe/năm sau 2025. Thu nhập của người dân tăng cao và giai đoạn ôtô hóa đang tới.
Thị trường tiềm năng rất có thể thuộc về xe nhập khẩu. Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ôtô sang Việt Nam nhiều nhất. Nếu không có chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ, ôtô trong nước khó cạnh tranh giữ được thị trường.
Điều đáng lo ngại nhất là để giành thị trường, xe nhập sẵn sàng đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ trong một thời gian, thì xe trong nước khó tồn tại, công nghiệp ôtô khó phát triển.
Theo Zing
email: [email protected], hotline: 086 508 6899