Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng trong một hệ thống thương mại toàn cầu có tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nổ ra thì đây không phải là tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam.

Nhìn vào ngắn hạn, có nhiều lý do để có thể lạc quan, đó là Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và Trung Quốc; được hưởng lợi từ những chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp nước ngoài chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Còn xét về dài hạn, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang mang đến những nguy cơ trước mắt cho Việt Nam. Cuộc chiến này sẽ tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa Trung Quốc "mượn đường" qua Việt Nam để gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ.

Bên cạnh đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể tràn sang thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của ngành sản xuất nội địa. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, bởi Trung Quốc phải tập trung tiêu thụ hàng hóa nội địa, hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều người cũng quan ngại về khả năng Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này thì rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.

Thương chiến Mỹ-Trung, doanh nghiệp Việt lo bị "vạ" lây

Trước sự leo thang căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp cho biết, đang theo dõi sát tình hình cuộc chiến và bày tỏ lo ngại hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành dệt may, Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may (Vitas) cho biết, 2019 là một năm có nhiều khó khăn với ngành dệt may Việt Nam, tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, không khả quan như kỳ vọng từ hồi đầu năm. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Cẩm cho hay, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc thực tế đã phần nào ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu toàn ngành, thể hiện rõ rệt nhất là lượng xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm mạnh.

Trước đây, bình quân Việt Nam sản xuất 2,2 triệu tấn sợi/năm, xuất khẩu 1,5 triệu tấn, trong đó 60% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, tình hình xuất khẩu sợi có nhiều bất ổn. Sang đến năm 2019, tiêu thụ sợi trở lên rất khó khăn, 6 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu sợi chỉ đạt 1,1%.

Cùng với đó, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, trong khi VND vẫn ổn định khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có giá thành cao hơn của Trung Quốc cũng “đẩy” xuất khẩu của ngành dệt may vào thế bất lợi.

Ông Cẩm quan ngại, với những khó khăn hiện hữu, mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD của ngành trong năm nay sẽ rất khó để có thể đạt được.

Một trong những ngành nữa cũng chịu ảnh hưởng "sâu" bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung Quốc là ngành thép.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong lĩnh vực thép cho biết, cuộc thương chiến giữa 2 cường quốc kinh tế lớn này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do đó về lâu dài, khi diễn biến của cuộc chiến vẫn leo thang căng thẳng thì nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc - nước chiếm tới 50% sản lượng thép của thế giới sẽ giảm đi đáng kể. Như vậy sức ép về xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ gia tăng.

Trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng NDT, nếu đồng NDT giảm sâu, rất có thể sẽ khiến các sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ như: thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, các loại tôn... nhập vào Việt Nam ồ ạt hơn, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với thép Việt Nam, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm của ngành thép trong nước. Đồng thời, một phần nào đó sẽ "đội lốt" hàng Việt để lẩn tránh thuế, xuất khẩu sang các nước thứ ba...

Trước những diễn biến khó lường và khó đoán định của thương chiến Mỹ-Trung, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP XNK nông sản thực phẩm Việt Nam chia sẻ, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc bùng phát, các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm đi đáng kể, nhiều đơn hàng giảm tới 90%.

Theo bà Hằng, đến thời điểm này, doanh nghiệp của bà tạm thời không xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Bởi phía Trung Quốc ra nhiều điều kiện khắt khe hơn về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông sản. Do đó các doanh nghiệp kinh doanh nông sản gần như phải bắt đầu lại công cuộc cải tổ từ con số 0. Doanh nghiệp không chỉ tiến hành thu mua, phân loại rồi xuất khẩu nông sản mà phải đồng hành cùng bà con nông dân, từ việc cải tạo đất, chọn giống, thực hiện các quy trình canh tác bài bản để cho ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thay đổi chiến lược xuất khẩu, thay vì chạy theo thị trường dễ tính, đã mở rộng sang các thị trường khó tính, khắt khe hơn.

Nỗi lo bùng phát chiến tranh tiền tệ

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang gây tác động tiêu cực cho kinh tế thế giới. Một khi cuộc chiến này kéo dài sẽ kéo theo những thay đổi về chính sách tỷ giá, lãi suất... của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngày 5/8, Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, đồng thời tuyên bố các công ty của nước này đã dừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Trump đã "liệt" Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Giới phân tích cho rằng, xung đột thương mại đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng mới, rất khó đảo ngược. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái.

Empty

TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất nhì thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó đoán định thì cuộc chiến tranh tiền tệ rất có thể xảy ra. Để bảo vệ lợi ích của mình, hiện tại, nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất cũng như tìm cách đẩy giá trị của đồng bảng xuống để tạo ưu thế cho xuất khẩu.

Nếu các quốc gia đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ rồi lại phá giá đồng bảng của mình sẽ dẫn đến việc rơi vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này sẽ gây nên thiệt hại cho cả hệ thống kinh tế toàn cầu.

Ông Hiếu khẳng định, cuộc chiến ấy đã có dấu hiệu xuất hiện, chẳng hạn, ở Mỹ, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ cắt giảm lãi suất, từ đó hạ giá trị của đồng USD đối với các đồng bảng khác. Các nước ở Châu Âu cũng hạ lãi suất, có những nơi lãi suất bằng 0, họ cũng đang tìm cách đẩy giá trị của đồng tiền xuống…

Khi cuộc chiến giữa hai nước “nóng” lên sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, khi đó nhiều quốc gia sẽ tiếp tục áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ giá đồng bảng của mình xuống để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Đương nhiên Việt Nam cũng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh tiền tệ.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính-ngân hàng Bùi Quang Tín cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay không chỉ dừng lại ở cuộc chiến tranh thương mại mà nó đã chuyển sang qua cuộc chiến về tiền tệ. Sắp tới chắc chắn cuộc chiến tiền tệ sẽ còn căng thẳng hơn nữa. Cuộc chiến này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các vấn đề: lãi suất, tỷ giá, các quan hệ cấp dòng vốn trên thị trường tài chính.

Empty

Riêng về lãi suất, thương chiến đã hạ lãi suất của FED, tới đây, ở góc độ điều hành chính sách của ngân hàng Trung ương Trung Quốc thì nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục phá giá đồng NDT, tiếp tục giảm lãi suất. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá của VND/USD, từ đó gây áp lực lên lãi suất, tỷ giá, lạm phát.

Nếu như các nước giảm lãi suất thì sẽ tạo rất nhiều áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm. 

Empty

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh quan ngại, với việc phá giá đồng NDT, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn rất nhiều và sẽ đổ bộ vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị phần của hàng hóa nội địa. Đây sẽ là lực đẩy vô hình, đẩy hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi thị trường trong nước, nhường chỗ cho hàng hóa nước ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước mà còn làm giảm thu nhập và giảm công ăn việc làm của người lao động Việt Nam.

Trước tình hình không mấy lạc quan của cuộc thương chiến Mỹ-Trung Quốc với những diễn biến khó lường, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần theo dõi sát sao, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hàng qua biên giới của Trung Quốc, rất có thể họ sẽ sử dụng biện pháp biên mậu để đẩy hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt.

Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Về phía các nhà điều hành chính sách, cần giữ ổn định VND và phải phản ứng một cách uyển chuyển, linh hoạt trước những biến động của thị trường tài chính thế giới, trong đó có đồng NDT./.

Theo VOV

Theo VOV