Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,6%
TCDN - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%)
Theo ông Tú, trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá hàng hóa dịch vụ để góp phần kiểm soát lạm phát. Kết quả là, lạm phát 7 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra (lạm phát bình quân là 2,54%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,44%), góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và là cơ sở quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng mức xếp hạng của Việt Nam từ BB lên BB+ vào tháng 5/2022.
Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%).
Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các Ngân hàng thương mại (NHTM), theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.
Về giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Cuối tháng 6/2022, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống TCTD là 25,08%. Các TCTD về cơ bản đều đáp ứng quy định này (trừ một số TCTD yếu kém, được kiểm soát đặc biệt).
Về triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do Covid-19, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn cho các TCTD sau khi các TCTD cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam vay, với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng.
Thực hiện giải ngân tái cấp vốn 4.787 tỷ đồng đối với NHCSXH để cho người sử dụng lao động vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đến ngày 31/7/2022, dư nợ của Chương trình là 4.192 tỷ đồng với 1.083 khách hàng còn dư nợ.
Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợtheo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung: Đến cuối tháng 6/2022, các TCTD đã thực hiện:(i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Lũy kế giá trị nợ đã được cơ cấu lại từ khi ban hành Thông tư 01 là hơn 722 nghìn tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng; dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn khoảng 178 nghìn tỷ đồng;(ii) Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ: Lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ là hơn 92 nghìn tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng; dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 17 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó thống đốc, về thực hiện giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, lũy kế đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 50.000 tỷ đồng.
Về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: NHNN tiếp tục triển khai chính sách giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo Thông tư 13/2021/TT-NHNN (áp dụng từ 01/9/2021-30/6/2022). Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số phí các TCTD đã miễn/giảm cho khách hàng khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Các TCTD đã áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng; triển khai các gói sản phẩm dịch vụ “zero fee” như miễn phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản, phí.
Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực ngân hàng được đẩy mạnh. Tính đến nay, 68% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản. Hơn 1,77 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money. Các giao dịch của khách hàng trên kênh số đạt trên 90%; 100% nghiệp vụ thanh toán được số hóa… Ứng dụng công nghệ hiện đại vào thanh toán, cung ứng dịch vụ, nghiệp vụ đạt hiệu quả.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899