'Trái đắng' của Vinashin chuyển giao về PVN: Lỗ càng thêm lỗ, vốn chủ sở hữu âm 1.260 tỷ

15/07/2019, 07:34

TCDN - Năm 2018, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) lỗ gần 30 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm trầm trọng hơn, ở mức -1.259,7 tỷ đồng.

vnf-dqs-pvn

Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây đã hé lộ tình hình tài chính của nhiều công ty con thuộc PVN, trong đó có nhiều công ty chưa công bố công khai báo cáo tài chính.

Về tổng quan, phía PVN cho biết tổng giá trị đầu tư tài chính của Công ty mẹ - PVN vào các công ty con tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 156.171 tỷ đồng, giảm 6.775 tỷ đồng (tương đương giảm 4%) so với thời điểm cuối năm 2017 do cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR, Tổng công ty Điện lực Việt Nam - PVPower, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil.

Tại thời điểm ngày 31/12/2018, Công ty mẹ - PVN đầu tư vào 15 công ty con, trong đó có 12 công ty kinh doanh có lãi trước thuế, 3 đơn vị thua lỗ (gồm: Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất).

Trong số 15 công ty con này, có 4 công ty hiện chưa công bố công khai báo cáo tài chính năm 2018, bao gồm: Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Công ty cổ phần Hỏa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Tổng công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP).

DQS là một trong các công ty kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được chuyển từ Vinashin về PVN vào năm 2010. Tình hình sản xuất kinh doanh của DQS được đánh giá là khó khăn, có nhiều tồn tại về tổ chức, tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo thông tin từ PVN, lũy kế đến thời điểm 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của DQS âm 1.259,7 tỷ đồng, đơn vị không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tổng doanh thu thực hiện trong năm 2018 là 421,2 tỷ đồng, tương đương 94% so với năm trước; lỗ 29,95 tỷ đồng (năm 2017 lãi 21,6 tỷ đồng). 

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ở mức -0,02%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức -0,08%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là -5,4 lần, "cho thấy đơn vị đang mất khả năng thanh toán", PVN đánh giá. 

Tập đoàn này cho hay, các nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của DQS là do các tồn tại, hạn chế từ trước khi chuyển giao từ Vinashin sang PVN để lại những chi phí phát sinh tiềm ẩn rất lớn như: việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ của Vinashin dẫn đến nhiều tài sản không sử dụng và sử dụng không hết công suất, chi phí tài chính rất lớn, các sản phẩm dở dang, còn nhiều thiếu sót về thiết kế, lỗi kỹ thuật trong thi công.

Cùng với đó, máy móc thiết bị tồn kho nhiều nhưng chưa có nhu cầu sử dụng và theo thời gian bị giảm giá trị; việc xác định nhu cầu đóng tàu để lập dự án thiếu chính xác nên Vinashin đã xây dựng nhà máy thừa công suất so với thực tế hiện nay.

Đối với PVTex, đây là công ty vận hành Nhà máy xơ sợi Đình Vũ - một trong các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Tình hình tài chính của PVTex khó khăn, có thời gian nhà máy đóng cửa, bị lỗ liên tục từ khi vận hành đến nay.

Tại 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của PVTex là -2.497 tỷ đồng; tổng tài sản là 5.226 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu thuần của PVTex là 50,84 tỷ đồng; công ty bị lỗ 701 tỷ đồng, tăng lỗ 18% so với cùng kỳ năm 2017.

"Lỗ phát sinh trong năm 2018 của công ty chủ yếu là do khấu hao tài sản nhà máy, chênh lệch tỷ giá, lãi vay phải trả trong kỳ", phía PVN cho biết.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVTex năm 2018 là - 28%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là - 13%; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là -3,1 lần, "cho thấy đơn vị đang mất khả năng thanh toán", PVN đánh giá.

Với PVcomBank, doanh thu năm 2018 của ngân hàng này tăng 20% so với năm 2017, đạt 9.348 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 95,4 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017...

PVN nhìn nhận, hiệu quả kinh doanh và chỉ số khả năng sinh lời của PVcomBank ở mức thấp và thấp hơn so với mặt bằng chung của các ngân hàng có quy mô gần tương đương.

Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, PVcomBank được giữ nguyên nhóm nợ của các khách hàng thuộc nhóm Vinashin, Vinalines, các bên liên quan của Ngân hàng Phương Tây và một số khách hàng trước đây chưa được xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý tại thời điểm ngày 30/9/2015.

Tổng dư nợ của các nhóm này tại ngày 31/12/2018 là 8.106 tỷ đồng.

PVN cho biết, danh mục tài sản không sinh lời của PVcomBank lớn đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PVcomBank thời điểm hiện tại và trong tương lai, đe doạ đến an toàn vốn của ngân hàng.

Được biết, PVcomBank đã áp dụng một số chính sách kế toán riêng để thực hiện các biện pháp xử lý tài chính liên quan đến việc trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Các chính sách kế toán riêng này được xây dựng trên cơ sở Đề án tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 đã được chấp thuận bởi Chính phủ và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Một công ty con đáng chú ý khác của PVN là PVEP cũng lộ diện các chỉ tiêu tài chính cơ bản.

Theo đó, năm 2018, tổng doanh thu của PVEP (gồm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu tài chính và thu nhập khác) là 36.677 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trước bù lỗ đạt 3.728 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước là 10.685 tỷ đồng, đạt 167% kế hoạch năm.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 13,96%; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản đạt 7,8%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 0,69 lần.

Theo Vietnamfinance
Bạn đang đọc bài viết 'Trái đắng' của Vinashin chuyển giao về PVN: Lỗ càng thêm lỗ, vốn chủ sở hữu âm 1.260 tỷ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899