Tranh chấp hợp đồng mua bán ngoại thương: Doanh nghiệp thờ ơ

27/05/2019, 09:44

TCDN - Khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng như: nông sản, gỗ, dệt may sẽ dễ phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, việc chỉ quan tâm và thuê luật sư khi có tranh chấp sẽ khiến doanh nghiệp chịu tổn thất, thiệt hại lớn.


Phát sinh tranh chấp với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Singapore dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương với 91 vụ, tiếp đến là Nhật Bản với 22 vụ. Tuy chưa có số liệu thống kê về tranh chấp của các nước khác trong CPTPP nhưng việc phát sinh tranh chấp trong kinh doanh quốc tế là rất phổ biến. Theo thống kê của VIAC thời gian qua đã có khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có phát sinh tranh chấp với Việt Nam liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, CPTPP sẽ có tác động mạnh mẽ và toàn diện hơn nhiều so với các FTA thế hệ cũ. Đặc biệt, trong số các lĩnh vực được điều chỉnh, lĩnh vực chịu ảnh hưởng đáng kể từ CPTPP chính là thương mại hàng hóa.

Với những ưu đãi và cả những yêu cầu khắt khe, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hiện nay đang chịu nhiều sự chi phối bởi hiệp định CPTPP. Trong 10 thành viên khối đối tác CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với 7 nước, trong đó có 4 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa k‎ý kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối khá lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018.

Tuy nhiên, với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước. Dự đoán, với CPTPP, các nước sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh trên cơ sở tận dụng các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi lớn về thuế điều này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, Canada, Mexico sẽ là những thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như da giày, dệt may, thủy sản, đồ gỗ được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nếu tận dụng tốt các ưu đãi.

Điển hình như ngành da giày hiện nay tăng trưởng của ngành da giày vào một số nước CPTPP như Úc, Canada, Singapore cao. Trong khi đó tình hình bảo hộ của các nước còn khá cao, chênh lệch thuế ưu đãi thông thường (MFN) so với ưu đãi thuế trong CPTPP là khá lớn. Khi CPTPP có hiệu lực ngành da giày không chỉ được hưởng lợi từ việc giảm thuế mà còn được gỡ bỏ các rào cản bảo hộ của các nước. Ngay với Canada, một nước chưa từng có FTA song phương với Việt Nam, khi tham gia vào CPTPP, 78 dòng thuế của các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam được giảm xuống 0% ngay khi Hiệp định này có hiệu lực.

Tương tự, ngành dệt may cũng có cơ hội lớn để tăng thêm thị phần tại các nước CPTPP từ mức tăng trưởng dự báo ở mức cao từ 8,3 đến 11%. Ngành chế biến thực phẩm, thuỷ sản với lợi thế về nguồn gốc xuất xứ cũng có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới cũng như mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu truyền thống trong CPTPP khi các thị trường khó tính như thị trường Nhật Bản cũng đã có cam kết xoá bỏ nhiều dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Mặt khác, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn các hoạt động thương mại quốc tế và đối mặt với những thử thách, rủi ro do khác biệt về ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh khi bước ra sân chơi lớn. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn khi đàm phán, thiết lập hợp đồng, hạn chế tối đa rủi ro về pháp lý và tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.

Nhận diện và phân loại các rủi ro

Luật sư Trần Xuân Chi Anh, Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT nhận định, từ trước đến nay, Việt Nam có mối giao thương thường xuyên với một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản… Khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ này lại càng chặt chẽ hơn, theo đó, tỷ lệ xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng dần. Việc xuất nhập khẩu được đẩy mạnh cũng đồng nghĩa với việc các sai sót, mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều; trong số đó, ngành hàng được xác định thường phát sinh tranh chấp là các ngành chiếm tỷ trọng lớn như nông sản, gỗ, dệt may. Để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh gây tổn thất, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên chia sẻ, doanh nghiệp thường chỉ lưu tâm đến các vấn đề về thương mại như chất lượng, số lượng hàng hóa, thời gian giao - nhận… mà bỏ quên các yếu tố về pháp lý như luật áp dụng, các điều khoản về giải quyết tranh chấp; điều này dễ đưa doanh nghiệp đến “ngõ cụt” khi phát sinh mâu thuẫn. Để hạn chế tình trạng trên, ngay ở giai đoạn đàm phán, doanh nghiệp Việt cần chủ động thỏa thuận với đối tác về những thành phần này như một cách thức phòng ngừa trước với tranh chấp có thể xảy ra.

Chỉ rõ điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV trong việc giao kết hợp đồng kinh doanh quốc tế, ông Châu Việt Bắc, Phó tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, doanh nghiệp Việt đa số chưa am hiểu kỹ về luật pháp quốc tế, luật pháp của nước đối tác, không có bộ phận pháp lý hỗ trợ dẫn đến việc soạn thảo hợp đồng với các điều khoản lỏng lẻo, không phù hợp với hoàn cảnh thực hiện hợp đồng hoặc giao phó cho đối tác soạn thảo hợp đồng và không xem xét kỹ trước khi ký kết. Thậm chí tranh chấp có thể xảy ra ngay cả các đối tác, bạn hàng thân thiết. Vì vậy, việc quản trị về hợp đồng trong các doanh nghiệp rất quan trọng, nhất là các doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng với hàng loạt đối tác.

Doanh nghiệp cần thay đổi cách làm, trong đó việc làm quan trọng đầu tiên là thay đổi quy trình kiểm soát hợp đồng. Soạn thảo hợp đồng gồm 5 bước nhưng doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ thực hiện bước cuối cùng là hoàn thiện hợp đồng do đối tác nước ngoài đã soạn sẵn, thậm chí không thực hiện, chỉ “nhắm mắt ký”. Việc soạn thảo hợp đồng tạo ra nhiều lợi thế, nhưng nếu không am hiểu luật pháp, doanh nghiệp vẫn sẽ khó chốt những điều khoản có lợi cho doanh nghiệp. Hay việc không có bộ phận pháp lý hỗ trợ đặc biệt ở các doanh nghiệp khiến các điều khoản lỏng lẻo, không phù hợp với hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Do đó, mối quan hệ và tầm quan trọng của đàm phán và thiết lập điều khoản trong hợp đồng kinh doanh quốc tế là rất chặt chẽ. Doanh nghiệp cần chủ động phòng tránh những “cạm bẫy” xuất phát từ giao kết các bên.

Trường hợp với những tranh chấp đã phát sinh, phương thức trọng tài thương mại là phương thức hiệu quả, giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại có thể xảy ra khi giao dịch với đối tác.

Phương Trang - Tạp chí TCDN số 5/2019
Bạn đang đọc bài viết Tranh chấp hợp đồng mua bán ngoại thương: Doanh nghiệp thờ ơ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận