Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Sứ mệnh sau 4 năm hoạt động

29/09/2022, 19:30
báo nói -

TCDN - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã khẳng định sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đó là tách bạch giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Năm 2022 là năm thứ 4 CMSC chính thức đi vào hoạt động theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ. Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng những kết quả mà CMSC đạt được khẳng định sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đó là tách bạch giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Những kết quả đó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh có nhiều biến động kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 bao trùm hầu hết ngành, lĩnh vực hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thuộc Ủy ban.

Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau 4 năm chuyển về Ủy ban, 19 Tập đoàn, Tổng công ty cơ bản hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển duy trì liên tục, ổn định. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới thời gian gần đây làm cho một số ít doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) nhưng tổng thể vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty vẫn được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng; hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển doanh nghiệp, góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tại thời điểm 31/12/2018, vốn và tài sản của 19 Tập đoàn, Tổng công ty mà Ủy ban tiếp nhận gồm: Tổng tài sản Công ty mẹ là 1.646.311 tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tổng vốn chủ sở hữu công ty mẹ là 911.350 tỷ đồng. Đến năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 doanh nghiệp này là 2.399.149 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; trong đó, Công ty mẹ là 1.649.655 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.081.078 tỷ đồng, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; trong đó, Công ty mẹ là 942.435 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của 19 Tập đoàn, Tổng công ty giai đoạn sau khi được chuyển giao về Ủy ban đã tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt của DNNN lớn, biểu hiện thông qua việc triển khai có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; góp phần quan trọng bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và dân sinh về năng lượng, viễn thông, lương thực…; đồng thời, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường và dịch bệnh.

Số liệu của Ủy ban cho biết, giai đoạn 2018- 2021: Đối với Công ty mẹ 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3.357.757 tỷ đồng (trung bình đạt 839,4 nghìn tỷ đồng/năm); tổng lợi nhuận trước thuế đạt 204.606 tỷ đồng (trung bình đạt 51,2 nghìn tỷ đồng/năm); thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt 278.514 tỷ đồng (trung bình trên 69,6 nghìn tỷ đồng/năm).

Đối với kết quả hợp nhất toàn Tập đoàn, Tổng công ty: Tổng doanh thu đạt trên 5.464.100 tỷ đồng (trung bình đạt trên 1.366.000 tỷ đồng/năm); tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 378,1 nghìn tỷ đồng (trung bình đạt 94,5 nghìn tỷ đồng/năm), thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt trên 839,5 nghìn tỷ đồng (trung bình đạt 209,9 nghìn tỷ đồng/năm).

Trong 6 tháng đầu năm 2022: Tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 892,1 nghìn tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ 2021; tổng doanh thu 19/19 Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty đạt trên 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ 2021.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt trên 1.766 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và bằng 4% so với cùng kỳ; Tổng nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất của 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt trên 125,8 nghìn tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ; tổng nộp ngân sách Nhà nước 19/19 Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty đạt trên 31,8 nghìn tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Ủy ban tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo Ủy ban tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cho dù hàng loạt khó khăn và thách thức, nhiều dự án đầu tư được Ủy ban tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện, trong đó có 10 dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ từ nhiều năm trước, với tổng mức đầu tư lên tới 259 nghìn tỷ đồng: Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky- LB Nga (khoảng 89.000 tỷ đồng); Dự án Nhà máy điện Yaly mở rộng (tổng mức đầu tư 6.399 tỷ đồng); Dự án Nhà máy điện Hòa Bình mở rộng (tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện Ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng); Dự án đường dây 500 KV Vân Phong, Vĩnh Tân (tổng mức đầu tư 2.856 tỷ đồng); Dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tổng mức đàu tư 10.990 tỷ đồng); Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (tổng mức đầu tư 4.983 nghìn tỷ đồng); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng)…

Một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể không nhắc đến trong 4 năm hoạt động vừa qua, đó là vai trò của Ủy ban làm Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương.

Ủy ban đã tiếp nhận, thực hiện đầy đủ, tích cực nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay một số dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể: Trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý có 01 dự án (Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem) từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022; 01 dự án (Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN) có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí…

Trong 7 dự án, doanh nghiệp còn lại có 03 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón  đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

Mặc dù, đến ngày 30/6/2022, còn lỗ lũy kế 13.394 tỷ đồng, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 03 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn (năm 2021 giảm lỗ; 6 tháng đầu năm 2022 đã có lãi và trả được một phần nợ cho ngân hàng).

Đặc biệt, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO2), một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong 12 dự án đến nay đã có nhiều bước tiến mới. 

Có thể nói, việc một số dự án, doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định hơn trước, kinh doanh có lãi, giảm lỗ lũy kế và một số dự án, doanh nghiệp vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị- xã hội tại địa phương.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Sứ mệnh sau 4 năm hoạt động tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan