Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp tục không gửi đủ báo cáo giám sát tài chính DNNN

08/10/2024, 18:35

TCDN - Theo báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không gửi đủ cả báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN và báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp.

19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Bộ Tài chính cho biết, đối với công tác giám sát doanh nghiệp nhà nước, theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12 và điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính và gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/5; lập Báo cáo đánh giá và công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) trước ngày 30/6 của năm tiếp theo.

Đối với công tác giám sát doanh nghiệp có vốn nhà nước, điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 35 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm tổng hợp Báo cáo kết quả giám sát tài chính hàng năm đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/5 của năm tiếp theo.

Các báo cáo này phải được gửi về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 31/7.

Tuy nhiên, tính đến ngày 13/9/2024, có 19/20 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; 01/20 cơ quan ngang Bộ gửi chưa đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cụ thể: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo 18/19 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, đối với các trường hợp chưa có kết quả giám sát tài chính, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu kết quả sản xuất kinh doanh trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính.

Về báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, có 16/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã gửi đầy đủ; 01/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 01/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi chưa đủ Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp. Cụ thể: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới gửi báo cáo kết quả xếp loại doanh nghiệp đối với 10/12 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Trước đó, Báo cáo năm 2020, năm 2021 và năm 2022 của Bộ Tài chính cho thấy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên tục gửi chưa đủ báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp theo quy định. 

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ gần 1,06 triệu tỷ đồng (năm 2018) lên hơn 1,15 triệu tỷ đồng (năm 2022); tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt hơn 1.000.000 tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 57.000 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 86.000 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm.

Về tình hình đầu tư phát triển, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đến hết tháng 6/2024 ước đạt gần 67.000 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp tục không gửi đủ báo cáo giám sát tài chính DNNN tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

7 DNNN lỗ phát sinh hơn 23.500 tỷ đồng
Tổng số lỗ phát sinh năm 2023 của 7 DNNN là 23.550 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát sinh lỗ lớn là 23.530 tỷ đồng, 6 doanh nghiệp còn lại lỗ 20 tỷ đồng.
Quy định cụ thể thẩm quyền quyết định công tác nhân sự từng loại hình DNNN
Theo dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp giữ vai trò then chốt. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị, cần quy định cụ thể thẩm quyền quyết định công tác nhân sự đối với từng loại hình doanh nghiệp.
Mức lương cao nhất của lãnh đạo DNNN có thể là 160 triệu đồng/tháng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự tính, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Chủ tịch Hội đồng quản trị được đề xuất cao nhất ở mức 80 triệu đồng/tháng - 160 triệu đồng cho những doanh nghiệp thuộc mức 1, nhóm 1 - tập đoàn, tổng công ty kinh tế.