Văn hoá khởi nghiệp: Chấp nhận khác biệt, ghi nhận thất bại

23/01/2019, 03:16

TCDN - Văn hoá khởi nghiệp là một yếu tố quan trọng để hình thành hệ sinh thái quốc gia. Đó chính là dám chấp nhận những suy nghĩ khác biệt, những điểm đột phá trong tư duy và những mô hình mới, ghi nhận sự thất bại ban đầu.

Chấp nhận thất bại, đứng lên làm lại

Theo TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, thống, hiện cả nước có tổng số 30 vườn ươm, trong đó 10 vườn ươm thuộc khu vực Nhà nước, 7 vườn ươm thuộc trường đại học, 13 vườn ươm của khu vực tư nhân hoặc nước ngoài. Đây là những dấu hiệu đáng khích lệ vì khu vực tư nhân và nước ngoài đã quan tâm đến việc “kinh doanh trí tuệ” của người Việt Nam.

Khởi nghiệp hiện đang là một mô hình không chỉ bán sản phẩm, mà chuyển hướng sang bán trí tuệ, đúng hơn là bán con người gắn với sản phẩm và mô hình kinh doanh. Các nhà đầu tư vừa quan tâm đến mô hình, sản phẩm, vừa quan tâm đến các bạn trẻ sáng lập viên là ai và có khả năng gọi vốn của người khác thế nào (không phải bằng vốn của chính mình). Khái niệm đó đã xuất hiện từ Hoa Kỳ, điển hình là Google, Facebook... Họ có chính sách hỗ trợ, phát triển những mô hình thị trường mới - thực ra là bán con người, trí tuệ trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với sự hỗ trợ của các khu vực vốn, tài chính (nguồn vốn mồi ban đầu hoặc vốn đầu tư mạo hiểm). Các trường đại học, các trường cao đẳng nghề công nghệ cao là những nơi sản sinh ra nguồn nhân lực trí tuệ lớn nhất. Tiếp theo là các cá nhân, tổ chức hỗ trợ về vốn, tài chính, kinh nghiệm - mentor, họ chính là các doanh nhân về công nghệ thành đạt truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Một yếu tố quan trọng để hình thành hệ sinh thái quốc gia là văn hóa khởi nghiệp. Đó là sự thay đổi tư duy từ các nhà lãnh đạo đến người dân, người đầu tư, thậm chí thay đổi tư duy của các thầy cô và phụ huynh trong gia đình Việt. Cụ thể là chúng ta dám chấp nhận những suy nghĩ khác biệt, những điểm đột phá trong tư duy và những mô hình hình mới, ghi nhận sự thất bại ban đầu của lớp trẻ, động viên họ khởi nghiệp lần 2, lần 3, lần thứ...n. Nói cách khác là dám chấp nhận thất bại và đứng lên làm lại.

Văn hóa này thông thường ở châu Âu, châu Mỹ sẽ phát triển hơn và cũng dần du nhập vào những nước châu Á những năm gần đây, góp phần thay đổi mô hình khởi nghiệp ở các nước. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây không khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, sinh viên ra trường làm cho các hãng lớn là niềm tự hào; người dân có xu hướng kỳ thị những người tự khởi nghiệp. Song hiện nay, họ đã thay đổi và nhận thấy năng lực cá nhân, sự khác biệt của cá nhân trong thời đại công nghệ số vô cùng quan trọng. Lúc này các tập đoàn lớn đã quay trở lại đầu tư vào các start-up và mua lại chính các nhóm đó.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tinh thần văn hóa khởi nghiệp. Cá nhân, doanh nghiệp muốn khởi nghiệp nếu không có triết lý hành động, không có văn hóa sẽ gây hại. Khởi nghiệp phải bắt đầu từ văn hóa không phải bắt đầu từ đồng tiền, triết lý hành động cho văn hóa khởi nghiệp phải là văn hóa sản xuất, kinh doanh có đạo đức. Nếu cầm tiền và có văn hóa khi sử dụng trong kinh doanh cùng với triết lý, nền sản xuất sẽ có thương hiệu lớn.

Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ chỉ là hình thức và số lượng, điều quan trọng vẫn là sự thay đổi của các doanh nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp phải là tinh thần của sáng tạo, tư duy và công nghệ mới gắn với đạo đức kinh doanh. Để làm được điều đó, lực lượng lao động cần được đào tạo để có thể phục vụ cho tinh thần khởi nghiệp của 1 triệu doanh nghiệp trong tương lai. Đồng thời, cần một thể chế “bà đỡ” từ phía Nhà nước cũng như sự đồng tâm của cả xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng. Khách hàng là yếu tố quan trọng cùng với doanh nghiệp tạo nên một xã hội thực sự khoa học và văn minh. Khởi nghiệp đi cùng với sáng tạo, văn minh và văn hóa.


Đào tạo về khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, để xây dựng được tinh thần và văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam, cần chú trọng giải quyết một số vấn đề sau: Thứ nhất, xây dựng chương trình chuẩn về khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông để giúp giới trẻ hình thành tinh thần khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đồng thời, hệ thống giáo dục cần được điều chỉnh theo hướng gắn thực tế với lý thuyết, gắn giáo dục đào tạo với hoạt động thực tiễn để đề cao tinh thần tự chủ và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cho mỗi bản thân người học.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho toàn dân là điều cần thiết để hoạt động khởi nghiệp tiếp cận được mọi đối tượng dân cư.

Thứ hai, các chính sách phải nhất quán, đồng bộ và liên tục từ cơ quan quản lý các cấp trong việc tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò là người điều chỉnh và kết nối để những người có mong muốn, nhu cầu khởi nghiệp có thể tìm đến nhau hoặc kết nối được với những đối tác sẵn sàng hỗ trợ về nguồn lực để họ khởi nghiệp. Thực hiện được điều này sẽ đảm bảo cho hoạt động khởi nghiệp diễn ra bền vững và liên tục.

Thứ ba, phát huy tinh thần chủ động và vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khu vực giúp giải quyết chủ yếu các vấn đề xã hội và việc làm cho nền kinh tế. Bản thân những người làm chủ các doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là những doanh nhân khởi nghiệp thành công. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp này phát triển, được nhận hỗ trợ về chuyên môn và nguồn lực để tiến hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả cũng được đánh giá là một giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trên toàn đất nước.

TS. Phạm Hồng Quất nhận định, để nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là trong các trường đại học lớn trong khu vực, liên kết hợp tác mời các chuyên gia có năng lực, có kinh nghiệm trong nước, quốc tế tham gia đào tạo, huấn luyện tại địa phương. Mặc khác, chú trọng liên kết hoạt động trong hệ sinh thái. Phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương trong hoạt động đào tạo, liên kết các chủ thể của hệ sinh thái thông qua việc tổ chức các sự kiện kết nối nguồn lực và nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Về hạ tầng phát triển sinh thái, phải tập trung nghiên cứu, đề xuất hình thành và khai thác có hiệu quả các mô hình hỗ trợ trong trường đại học; thành lập các đoàn công tác tham quan và học hỏi mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, mô hình Thành phố thông thông minh tại các địa phương phát triển (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...); thành lập các câu lạc bộ, mạng lưới các “nhà đầu tư thiên thần” toàn cầu để tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Minh Huệ - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Văn hoá khởi nghiệp: Chấp nhận khác biệt, ghi nhận thất bại tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận