VCCI xây dựng các nền tảng tương tác kết nối công - tư

27/04/2020, 08:55

TCDN - Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Uỷ ban hợp tác công tư - Hội đồng Quốc gia về sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đang nỗ lực xây dựng các nền tảng tương tác, các “sân chơi” có hiệu quả để kết nối khu vực công và tư triển khai các dự án PPP.

Theo đó, ngày 16/4, Uỷ ban hợp tác công tư - Hội đồng Quốc gia về sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam - VCCI và các đối tác đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ rủi ro trong dự án PPP”. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động góp ý xây dựng dự thảo Luật PPP.

dat-nen-bung-no-phia-bac-sai-gon-nha-lien-tho-do-ve-khu-dong-41-.3828

Không bên nào gánh tất cả hậu quả khi có rủi ro

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, sự tham gia của khu vực tư nhân trong mô hình đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam… VCCI đã nhận thức sớm vấn đề này, nên đã nỗ lực thúc đẩy các quan hệ đối tác công - tư, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào những công trình phát triển kinh tế - xã hội, VCCI cũng có tiếng nói mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở tổng kết những mô hình thực tiễn ở nước ta cũng như tham khảo kinh nghiệm từ những nền kinh tế trên thế giới. 

VCCI kiến nghị việc xây dựng những quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó tiêu chí đặc biệt quan trọng là đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư, không để bên nào dù tư nhân hay nhà nước gánh chịu tất cả hậu quả khi có rủi ro.

Đặc biệt, VCCI, Uỷ ban hợp tác công tư - Hội đồng Quốc gia về sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đang nỗ lực xây dựng các nền tảng tương tác, các “sân chơi” có hiệu quả để kết nối khu vực công và tư triển khai các dự án PPP. Do vậy, trong kế hoạch công tác năm 2020, cùng với tham gia các cuộc họp, tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tổ chức, phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệp hội, các tổ chức quốc tế tổ chức triển khai hoạt động góp ý dự thảo Luật PPP là nhiệm vụ trọng tâm của VCCI. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm, góp thêm tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo.

Theo các chuyên gia, bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng không có bảo đảm của Chính phủ trong các dự án PPP là lý do khiến một số dự án PPP trong lĩnh vực giao thông bị đình trệ (bao gồm cả dự án Dầu Giây - Phan Thiết; Tân Vạn - Nhơn Trạch). Số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án PPP nếu không có bảo đảm của Chính phủ là rất khiêm tốn. Đây là trường hợp của dự án nhiệt điện TKV Quỳnh Lập 1, trong đó TKV không thể huy động tài chính từ các ngân hàng/tổ chức tài chính quan tâm do không có bảo đảm của chính phủ.

Một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong việc chẩn bị các dự án PPP nhận định, trong nhiều trường hợp, các ngân hàng đã yêu cầu bảo lãnh vượt quá trách nhiệm hữu hạn với tài sản của doanh nghiệp dự án (SPC) và kiến nghị áp dụng Chính phủ cho các dự án PPP để tăng cường mức độ đảm bảo cho đầu tư tư nhân.

Thực tế, các nhà đầu tư Nhật Bản nhấn mạnh, mặc dù họ có kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực chăm sóc y tế, xây dựng sân bay và đường bộ, nhưng họ sẽ không tài trợ cho các dự án PPP nếu không có bảo đảm của Chính phủ.

Việc đảm bảo doanh thu tối thiểu là một phương thức khuyến khích đầu tư nước ngoài rất hiệu quả, tỷ lệ chia sẻ giảm doanh thu sẽ được quyết định tùy từng dự án vì mỗi dự án có khả năng sinh lời khác nhau với cơ chế kiểm soát các khoản nợ dự phòng và trần nợ công một cách hiệu quả và minh bạch.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho hay, trong đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có thể nói cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nội dung quan trọng nhất. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, cơ chế bảo đảm quan trọng nhất là nhà đầu tư được Bộ GTVT và địa phương bảo đảm lộ trình thu phí. Xung đột giữa nhà đầu tư và người dân địa phương sẽ gây lỗ cho nhà đầu tư.

Chính phủ cần đảm bảo về ngoại hối cho SPC

Một vấn đề khác là chuyển đổi ngoại tệ. Các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ bán sản phẩm đầu ra và thu doanh thu bằng nội tệ, đồng Việt Nam, trong khi nguồn vốn tài trợ dài hạn sẽ được cung cấp bằng ngoại tệ. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng đáp ứng ngoại tệ phục vụ cho việc hoàn trả nợ và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. 

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Luật về PPP quy định rằng, đối với những dự án mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ sẽ đảm bảo về ngoại hối cho SPC. Nhà đầu tư và/hoặc doanh nghiệp dự án được phép mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng được phép thực hiện các giao dịch ngoại hối nhằm đáp ứng các yêu cầu về giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc để chuyển nước ngoài tiền vốn, lợi nhuận và tiền thu được từ thanh lý đầu tư theo quy định luật kiểm soát ngoại hối.

Đặc biệt, các nhà đầu tư quốc tế nhấn mạnh sự cần thiết của bảo đảm của Chính phủ về khả năng chuyển đổi từ đồng Việt Nam phải trả trong khuôn khổ hợp đồng PPP thành ngoại tệ, trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng PPP, bao gồm cả viện hoàn trả nợ.

Về giải phóng mặt bằng, theo quy định về Chuẩn bị mặt bằng xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng và hoàn thành thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, hợp đồng PPP và các hợp đồng liên quan khác.

Tuy nhiên, GS. Nguyễn Mại quan ngại rằng, trong nhiều dự án cần giải phóng mặt bằng, mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân địa phương sẽ gây nên chậm trễ không thể tránh khỏi đối với việc thực hiện dự án. Dự thảo luật cần làm rõ các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp dự án có mặt bằng cần thiết để bắt đầu xây dựng đúng thời hạn. Vấn đề thu xếp mặt bằng này là tối quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế vì đây là một trong những yếu tố rủi ro quan trọng nhất và các nhà đầu tư và bên cho vay quốc tế thường do dự và không muốn ở vị trí phải chịu rủi ro gắn liền với việc giải phóng mặt bằng.

Hương Giang

Tạp chí in số tháng 4/2020
Bạn đang đọc bài viết VCCI xây dựng các nền tảng tương tác kết nối công - tư tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan