Vì sao Thanh Hóa tăng trưởng mạnh mà PCI vẫn thấp?

17/06/2020, 06:38

TCDN - Tại sao Thanh Hóa vẫn tăng trưởng phát triển mạnh mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn thấp? Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đặt ra vấn đề này tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoa XVII.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Như báo chí đã thông tin, sáng ngày 16/6, kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII tổ chức phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường.

Bên cạnh vấn đề sai sót trong chi trả gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đông đảo đại biểu và cử tri quan tâm, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Đăng đàn góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mở đầu bằng câu chuyện PCI. Rằng, tại sao những năm gần đây, Thanh Hóa tăng trưởng, phát triển mạnh, quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước, trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Bắc Miền Trung nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI vẫn không được cải thiện đáng kể.

Theo đại biểu Đệ, Thanh Hóa từng xếp thứ 8 năm 2013, xếp thứ 10 năm 2015 . Nhưng trong 4 năm trở lại đây, địa phương đã có sự phát triển vượt bậc mà PCI lại sụt giảm. Năm 2019, thậm chí nằm ngoài TOP 20. “Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là từ cách hành xử, tính nhân văn, văn hóa giữa công chức và người lao động.

Cơ bản chúng ta tốt nhưng vẫn cá biệt có những người làm chức năng quản lý nhà nước đề cao chữ tôi quá. Nhiều doanh nghiệp tiếp cận không hài lòng” – ông Đệ nói.

Ông Nguyễn Văn Đệ dẫn chứng câu chuyện thẩm định giá đất nhà máy may xuất khẩu Như Thanh của Công ty CP Tatsu (thuộc Tổng công ty Tiên Sơn). Sở chuyên ngành và công ty thẩm định giá độc lập đề xuất bằng 1,2 giá quy định của tỉnh nhưng hội đồng thẩm định nâng lên tới …1,9 lần với những viện dẫn thiếu căn cứ thuyết phục khiến doanh nghiệp bức xúc, nản lòng, nhụt ý chí đầu tư và liên tục kiến nghị.

Vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị những người được phân công trọng trách trong các cơ quan quản lý nhà nước phải gắn kết với người dân và doanh nghiệp, nếu sai thì phải sửa, phải điều chỉnh.

Đóng góp ý kiến đối với vấn đề nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu Đệ đã nhắc lại ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa lần thứ XXI diễn ra ngày 11/6 vừa qua.

Theo đó, Thanh Hóa phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong bộ máy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ngoài các tiêu chuẩn, phẩm chất theo quy định, còn phải đáp ứng các yêu cầu như: Có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn tốt.

Khiêm tốn, tự trọng, không tự kiêu, tự mãn, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng. Vì đây là mầm mống của mất đoàn kết nội bộ. Năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, nói cái gì làm đúng cái đó, hứa cái gì thực hiện thành công cái đó, phải coi đó là lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên trước Đảng bộ và Nhân dân.

“Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chúng ta vừa rồi có doanh nhân kiện cả quản lý nhà nước. Rùm beng cả lên rồi. Nếu tôi không gàn thì đã đưa ra tòa nhiều rồi chứ không chỉ một vụ việc vừa rồi”, ông Nguyễn Văn Đệ thông tin thêm.

Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Vì sao Thanh Hóa tăng trưởng mạnh mà PCI vẫn thấp? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tháo điểm nghẽn nào để Thanh Hóa cất cánh?
HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã khai mạc trọng thể kỳ họp lần thứ 12. Ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu một số vấn đề cần thảo luận làm rõ để Thanh Hóa ngày càng phát triển.