Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin bằng phương pháp xét nghiệm AND:

Vừa hoàn thiện quy trình, vừa đảm bảo nguồn lực

02/12/2024, 13:16

TCDN - Phương pháp giám định bằng ADN được coi là cốt lõi, nhất là với hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin, không thể định danh bằng phương pháp thực chứng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các cơ quan chức năng vừa phải hoàn thiện quy trình, nâng cao năng lực.

Nhận mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để phân tích, đối chiếu mẫu ADN xác định danh tính liệt sĩ.

Nhận mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để phân tích, đối chiếu mẫu ADN xác định danh tính liệt sĩ.

Giám định ADN 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ trong năm 2024

Năm 2023, toàn quốc đã tìm kiếm quy tập được 1.328 hài cốt liệt sĩ (trong đó, trong nước 559 hài cốt liệt sĩ; Lào 247 hài cốt liệt sĩ; Campuchia 522 hài cốt liệt sĩ).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận 5.055 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, trong đó 2.223 mẫu hài cốt liệt sĩ chất lượng kém, không thể phân tích ADN. Trong số 2.832 mẫu đã chuyển đến các cơ quan giám định, chỉ có 202 mẫu thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã phân tích ADN xác định được danh tính 9/124 mẫu hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó, bằng phương pháp thực chứng, đã xác định được danh tính 251 hài cốt liệt sĩ, kết quả cao hơn nhiều so với phương pháp giám định gene; hoàn thành xác minh, kết luận mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ tại thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Năm 2024, Ban chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban chỉ đạo Quốc gia 515) đẩy mạnh chuyển trọng tâm tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước, nhất là các khu vực, địa bàn trọng điểm còn thiếu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phấn đấu tìm kiếm quy tập được 1.500 hài cốt liệt sĩ. 

Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đối với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ, nâng cao năng lực, hiệu quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của các cơ sở giám định ADN.

Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện theo hai phương pháp là phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN. Trong đó, quy định nguyên tắc, thứ tự ưu tiên là áp dụng phương pháp thực chứng trước; khi không áp dụng được phương pháp thực chứng mới áp dụng phương pháp giám định ADN, có những ngôi mộ bắt buộc phải áp dụng phương pháp này và có những ngôi mộ chỉ áp dụng được phương pháp kia. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ và tư vấn cho thân nhân liệt sĩ nên làm theo phương pháp nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Ngọc Lợi cho biết, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ giao cho các địa phương xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ, tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ gửi về các cơ sở giám định. Đây là phương pháp xác định chính xác mối quan hệ huyết thống của liệt sĩ với thân nhân, song thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Đối với việc giám định gene, do hài cốt liệt sĩ chôn cất lâu năm đã phân hủy, nhiều hài cốt thực hiện di chuyển một số lần, nên phần lớn không bảo đảm chất lượng cho việc xét nghiệm ADN; thân nhân liệt sĩ tuổi cao, sức yếu, nhiều trường hợp đã mất cho nên khó xác định mối quan hệ huyết thống;

Hồ sơ lưu trữ, sơ đồ an táng các liệt sĩ, nhân chứng lịch sử phần lớn đã mất nên việc rà soát, đối chiếu, kiểm chứng thông tin để khớp nối rất khó khăn; công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định vẫn thấp.

Bên cạnh đó, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 chỉ quy định xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin và chưa có thông tin, những mộ sai thông tin hoặc vừa sai vừa thiếu thông tin so với thông tin trong hồ sơ gốc của liệt sĩ không được cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác định danh tính liệt sĩ.

“Do chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và căn cứ thực chứng cho nên mỗi đơn vị, địa phương lại có cách hiểu khác nhau, dẫn đến trường hợp các liệt sĩ cùng đơn vị, cùng ngày và cùng nơi hy sinh, mộ cùng thiếu và sai thông tin, nhưng có liệt sĩ được xác định danh tính hài cốt, còn liệt sĩ ở địa phương khác lại không được xác định. Vì vậy, thân nhân liệt sĩ chỉ có thể đến thăm viếng, mà không thể làm thủ tục để nhận phần mộ người thân của gia đình mình” – ông Đào Ngọc Lợi nhấn mạnh.

Một khó khăn nữa trong giám định gen là xây dựng bản định mức kinh tế kỹ thuật. Ông Đào Ngọc Lợi giải thích, giám định ADN là loại dịch vụ đặc thù, không thể áp dụng như giám định pháp y. Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phải căn cứ vào quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Từ góc độ khoa học ông Hà Hữu Hảo, Trưởng khoa Y - Sinh học, Viện Pháp y quốc gia cho rằng, khó khăn của giám định gen xác định danh tính liệt sĩ nằm ở việc thiếu cơ sở dữ liệu để so sánh và đối chiếu các mẫu. Khi có kết quả dữ liệu về gen, vấn đề quan trọng tiếp theo là lấy mẫu của người thân rồi đưa vào hệ thống dữ liệu để đối chiếu.

Hoàn thiện quy trình, nâng cao năng lực

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin, sai thông tin, vừa sai vừa thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin, Bà Ngô Thị Thuý Hằng, Giám đốc Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Trung tâm MARIN) cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm xem xét, sửa đổi quy định tại Nghị định số 131. Cụ thể, sửa đổi khoản 1, Ðiều 138 theo hướng xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, sai thông tin, vừa sai vừa thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin; sửa đổi điểm b, khoản 1, Ðiều 145 theo hướng xác nhận quản lý 01 hồ sơ hoặc nhiều hơn và ban hành phiếu chuyển hồ sơ đề nghị xác định danh tính hài cốt liệt sĩ kèm bản sao Giấy báo tử hoặc Giấy chứng nhận hy sinh gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ... Trường hợp đủ căn cứ thực chứng thì ban hành quyết định xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (theo mẫu).

Theo Cục Người có công, cùng với việc hoàn thiện quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai, cần nâng cao năng lực xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng cả phương pháp xét nghiệm ADN và thực chứng; tổng kết và đề xuất chế độ, chính sách và công tác bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sỹ thuộc đơn vị, địa phương quản lý; xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên toàn quốc..., qua đó góp phần tích cực thúc đẩy công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ đạt hiệu quả.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cũng cần khẩn trương hoàn thành định mức kỹ thuật, đơn giá cho các khâu tìm kiếm, quy tập, giám định ADN với các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động thường xuyên của công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tạo thuận lợi cho các hội, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Vừa hoàn thiện quy trình, vừa đảm bảo nguồn lực tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tập trung xử lý vướng mắc, thực hiện đồng bộ chính sách ưu đãi người có công
Dù có số lượng thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng khá lớn nhưng việc quản lý, triển khai thực hiện chính sách ưu đãi luôn được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị thực hiện đồng bộ, kịp thời theo quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù địa phương.