Vướng mắc liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương
TCDN - Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Hỏi: Tôi hiện đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Bình Gia tôi có một câu hỏi liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương: Thực hiện các thông Tư hướng dẫn xác định nguồn cải cách tiền lương TT67/2017,TT68/2018, TT 46/2019 đến thười điểm hiện nay năm 2023 thì nguồn kinh phí cải cách tiềm lương của đơn vị vẫn còn dư trên TK 468 và nhu cầu sử dung cho việc thực hiện cải cách tiền lương thì không hết.
Hiện nay cơ sở vật chất của bệnh viện đã xuống cấp, các buồng bệnh bị thấm dột ẩm mốc đơn vị muốn sử dụng nguồn kinh phí trên vào việc sửa chữa cải tạo các buồng bệnh có được không? Các Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở như Thông Tư 68/2018 có quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư lớn, và có cam kết tự đảm bảo nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, thì được sử dụng nguồn còn dư để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn thực hiện theo cơ chế tự chủ hiện hành; kết thúc năm ngân sách báo cáo cơ quan chủ quản để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính kết quả sử dụng nguồn kinh phí này.
Tuy nhiên Thông tư 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019 lại không đề cập đến nội dung này. Nay đơn vị có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí còn dư này để cải tạo nâng cấp buồng bệnh và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh thì căn cứ vào đâu, trình tự thủ tục để được chi như thế nào? Kính mong được trả lời sớm cho đơn vị được biết. Xin Trân trọng cảm ơn./
Trả lời:
1. Theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: “Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư sau khi bảo đảm điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (đối với ngân sách địa phương), các dự án đầu tư theo quy định (đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết) theo nghị quyết của Quốc hội phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương sau năm 2020, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.”
2. Tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 quy định: “… Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác, trừ trường hợp Nghị quyết của Quốc hội cho phép. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương thực hiện đúng quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho các mục đích khác, bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII),…”
3. Ngày 23/7/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ.
a) Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 46/2019/TT-BTC đã quy định nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
“a) Nguồn kinh phí:
- Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính.
- Sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao.
- Sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập).
- Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
- Sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau khi bảo đảm nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng, từ các nguồn:
+ Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2017 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính.
+ Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính.
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019; riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
+ 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao.
+ 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) dự toán năm 2019 so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao
b) Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương nguồn kinh phí còn thiếu sau khi đã sử dụng các nguồn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
c) Đối với các địa phương có nguồn kinh phí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này lớn hơn nhu cầu kinh phí theo quy định tại Điều 2 Thông tư này, các địa phương tự bảo đảm phần kinh phí thực hiện; phần chênh lệch lớn hơn sử dụng để chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (giảm tương ứng phần ngân sách trung ương phải hỗ trợ theo chế độ) theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020.”
b) Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 46/2019/TT-BTC đã quy định cụ thể tỷ lệ trích từ nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương:
“a) Đối với cơ quan hành chính: sử dụng tối thiểu 40% số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) được để lại theo chế độ.
b) Đối với các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:
- Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
- Đối với số thu học phí chính quy: sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ tính trên toàn bộ số thu học phí (bao gồm cả kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù học phí theo quy định).
- Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập: sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ (như: chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... và chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá).
- Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: sử dụng tối thiểu 40% số thu từ các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí trực tiếp đã tính vào giá dịch vụ cho các hoạt động này và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định.”
4. Các năm 2020-2022, Nhà nước không điều chỉnh tiền lương cơ sở nên việc tổng hợp nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019 của Bộ Tài chính.
Căn cứ các quy định nêu trên, nguồn cải cách tiền lương còn dư của Trung tâm Y tế huyện Bình Gia không được sử dụng cho việc cải tạo nâng cấp buồng bệnh và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899