Xin lùi cổ phần hóa và thoái vốn: Có tạo tiền lệ xấu?

27/03/2019, 04:26

TCDN -

Đến thời điểm hiện nay, có hàng chục doanh nghiệp xin lùi cổ phần hóa (CPH), trong đó, có doanh nghiệp xin lùi đến lần thứ hai.

Xin lùi cổ phần hóa và thoái vốn: Có tạo tiền lệ xấu?

Trước đề xuất của PVN về việc lùi thời hạn thoái vốn, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Tập đoàn đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm

Hàng chục doanh nghiệp xin hoãn cổ phần hóa

Ngay từ đầu năm nay, Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề xuất thời gian dự kiến thực hiện và hoàn thành CPH MobiFone là 2019 - 2020, thay vì năm nay. Trước đó, doanh nghiệp này đã một lần xin lùi kế hoạch CPH từ năm 2018 sang năm 2019.

Cùng tình trạng này, Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1), Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) cũng có văn bản xin lùi thời hạn hoàn thành CPH thay vì mốc thời điểm phải hoàn thành CPH trong năm 2018. Cụ thể, Genco1 đề xuất lùi tiến độ CPH tới năm 2021, còn Genco2 xin lùi tới năm 2020.

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, hiện đã có khoảng vài chục doanh nghiệp gửi văn bản xin dời lịch CPH sang năm sau hoặc năm sau nữa.

Về thoái vốn, trước đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc lùi thời hạn thực hiện việc này, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị PVN tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm.

Tình trạng này xảy ra bất chấp Chỉ thị 01 ngày 5/1/2019 của Thủ tướng nêu rõ: “Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn...; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Chỉ thị 01 của Thủ tướng nêu rõ 2 mốc thời gian đáng chú ý về việc này.

Theo đó, trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ CPH, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2019. Trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.

Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương có trách nhiệm chuyển giao về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/3/2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.

“Như vậy, các doanh nghiệp xin lùi tiến độ này phải có báo cáo và giải trình cụ thể gửi cho cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tập hợp, sau đó, trình Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết”, ông Tiến cho biết.

Đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ

Về các vướng mắc trong quá trình CPH và thoái vốn, vị Cục trưởng nhận định, hầu hết các vướng mắc về CPH và thoái vốn đã được tháo gỡ dù vẫn còn một số điểm cần làm rõ hơn về xử lý đất đai trong quá trình CPH liên quan đến từng trường hợp cụ thể.

Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tìm cách gỡ khó trong suốt thời gian vừa qua. Đáng chú ý, cơ quan này đang lấy ý kiến Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp với một số nội dung quan trọng.

Đó là, yêu cầu doanh nghiệp xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất trong phương án CPH; làm rõ những cơ sở nhà, đất đã được tính trong giá trị doanh nghiệp khi CPH, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất có hay không tính vào giá trị doanh nghiệp.

Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp thì cần làm rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng đối với cơ sở nhà, đất này và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.

Trường hợp các doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư kinh doanh bất động sản, Dự thảo Chỉ thị yêu cầu rà soát giá trị quyền sử dụng đất tính trong giá trị doanh nghiệp theo quy định.

Theo ông Tiến, điểm đáng chú ý của Dự thảo Chỉ thị này là làm rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xử lý đất đai trong quá trình này, tuy nhiên, việc thúc đẩy CPH và thoái vốn tiếp tục đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp, các ngành.

Số liệu tổng kết từ Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 2 năm nay, chưa có một doanh nghiệp nào được CPH và thoái vốn. Tình trạng ì ạch này đã xảy ra liên tục trong những năm vừa qua.

Nếu các phương án xin lùi CPH và thoái vốn nêu trên tiếp tục được thông qua mà thiếu sự rà soát kỹ lưỡng, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tổ chức, thì điệp khúc “xin lùi” sẽ tiếp tục và tiến trình CPH và thoái vốn sẽ lại lỡ hẹn.

Theo Đấu thầu

Bạn đang đọc bài viết Xin lùi cổ phần hóa và thoái vốn: Có tạo tiền lệ xấu? tại chuyên mục Thoái vốn của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899