Xử lý 12 dự án ngành Công Thương: "Cần quyết sách rõ ràng"

25/06/2020, 07:28
báo nói -

TCDN - Chiều 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về kế hoạch và phương án tổng thể xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém tại một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đến nay, một số dự án đã được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng đề nghị tổ công tác báo cáo Ban chỉ đạo để xem xét xử lý từng dự án cụ thể cũng như báo cáo Thường trực Chính phủ. Tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước; nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý…

Cần có quyết sách rõ ràng từng dự án, "cái nào phục hồi, cái nào phá sản". Phát hiện sai đến đâu, xử lý đến đó; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý các dự án này.

Trước đó, báo cáo gửi Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương cho thấy hiện chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung.

Tuy nhiên, 3 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững. Cụ thể, so với năm 2017, 2018, Nhà máy phân đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỉ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỉ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỉ đồng.

So với cùng kỳ năm 2018, năm 2019, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỉ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64,04 tỉ đồng, Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 239 tỉ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 178,2 tỉ đồng.

Đáng chú ý có 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Có 5/12 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công.

Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỉ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỉ đồng.

Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp này ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỉ đồng, trong đó, dư nợ trung hạn 17.263 tỉ, ngắn hạn 5.701 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án gồm dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Tisco, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP số 1 Hải Phòng, dự án DAP số 2 Lào Cai và Nhà máy đóng dầu Dung Quất với tổng dư nợ đến 31/12/2019 là 9.796 tỉ đồng.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Xử lý 12 dự án ngành Công Thương: "Cần quyết sách rõ ràng" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan