Xử lý dự án yếu kém: Thống nhất nguyên tắc, phân quyền thành luật

15/04/2022, 14:41

TCDN - 5 dự án đã được đưa ra khỏi "danh sách đen" 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đối với các dự án còn lại cần có sự quyết liệt, dứt điểm từng dự án, đồng thời, phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan và phải đưa thành luật.

nha-may-xo-soi-dinh-vu-quan-ly-chat-luong-nhu-the-nao

Bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 5 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng, Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ (PVB) và Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước (OBF); Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất. Đến nay, các dự án đã không còn vướng mắc về cơ chế chính sách.

"Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp, không can thiệp thô bạo. Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm…", ông Hồ Sỹ Hùng cho hay.

Đối với 7 dự án còn lại trong danh mục, ông Hồ Sỹ Hùng đánh giá, các dự án này còn nhiều tồn tại do đang vướng mắc những vấn đề nổi cộm. 2 vấn đề chính đó là xử lý hợp đồng EPC và xử lý chi phí tài chính do đầu tư tồn lại quá lớn.

"Nếu không giải quyết 2 vấn đề này sẽ không mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so với các doanh nghiệp khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương). Mặt khác, chưa 'giải thoát' được hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động được các dây chuyền và việc sản xuất kinh doanh của mình", ông Hồ Sỹ Hùng phân tích.

Nói về nỗ lực giải quyết những tồn tại, yếu kém của các dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên Hội đồng thành viên cho biết, Tập đoàn có 4 dự án, trong đó có 2 dự án phân bón urea với tổng công suất 1,06 triệu tấn; 2 dự án phân bón phức hợp DAP với tổng công suất 660.000 tấn. Những giải pháp Tập đoàn thực hiện ngay là rà soát lại toàn bộ chi phí không cần thiết để cắt giảm, hợp lý hóa quy trình sản xuất ở tất cả các khâu, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường công tác quản trị… Năm 2021, các dự án đã có sự chuyển biến rõ nét so với năm 2020.

Dự án DAP-1 Hải Phòng đã đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách 12 dự án, hiện tại kinh doanh bền vững. Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo để đưa ra các phương án bảo toàn bền vững hơn nữa, bảo toàn vốn Nhà nước.

Ba dự án còn lại, đến năm 2021, dự án đạm Hà Bắc lần đầu tiên sau 5 năm đi vào vận hành và đã có lãi; dự án đạm Ninh Bình và dự án DAP số 2 Lào Cai cũng đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Nêu ví dụ từ dự án có thể "đắp chiếu chết" là dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng đến nay đã nhìn thấy sự hồi sinh và cả tương lai, khi đã đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, đây là nỗ lực lớn không chỉ của PVN, của cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc tại công trường, mà có sự quan tâm, hậu thuẫn, hỗ trợ lớn, tạo niềm tin cho PVN có thể thực hiện thành công dự án này.

“Đối với các dự án còn lại, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành là rất quan trọng. Nếu không có sự chỉ đạo sát sao, có quyết định cụ thể và không có việc bảo vệ cho cán bộ thì không ai dám làm. Đến nay, chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của PVN, chắc chắn dự án sẽ về đích”, ông Nguyễn Hùng Dũng bày tỏ.

Mở hướng giao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Nhắc lại về nguyên tắc xử lý các dự án tồn đọng yếu kém, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, nguyên tắc xử lý là đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp từng dự án. Đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính xử lý phải dứt điểm, dự án nào làm được phải làm luôn, bám sát thực tiễn, khuôn khổ pháp luật, những gì vướng, vượt tầm khuôn khổ thì báo cáo Quốc hội. Đây là tiền đề quan trọng để tháo gỡ các dự án hiệu quả và xử lý các dự án tiếp theo.

Hướng xử lý tiếp theo, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ cùng các doanh nghiệp ngồi lại, đánh giá lại tình trạng của dự án, rà soát lại vấn đề tồn đọng và nguyên nhân, để xem doanh nghiệp cần những hậu thuẫn gì về cơ chế chính sách, kể cả niềm tin… để doanh nghiệp trụ được. Đồng thời, mở hướng giao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tới đây, đối với các dự án có cần bổ sung thêm vốn, hướng xử lý sẽ là giao doanh nghiệp tự chủ động sử dụng nguồn vốn để cơ cấu các dự án còn nhiều vướng mắc. Các tập đoàn, doanh nghiệp cần bám đúng nguyên tắc, chủ động phương án sản xuất kinh doanh, sản phẩm, có thể đưa ra các phương án để tái cơ cấu các dự án này. Trong quá trình xử lý, sẽ có sự tương tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.

Với các vướng mắc quanh hợp đồng EPC, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, trường hợp không phải tranh chấp hợp đồng EPC sẽ đưa ra thông điệp thông qua hệ thống trọng tài. Đồng thời, mở hướng cho các doanh nghiệp thoái vốn, tái cơ cấu đầu tư…

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đối với các dự án còn lại cần có sự quyết liệt, dứt điểm từng dự án. Phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan và phải đưa thành luật. Đồng thời, các quy định ban hành tiếp theo cần tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm khi giải quyết công việc.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá, phương pháp luận của Thủ tướng Chính phủ có vai trò rất quan trọng dẫn dắt trong quá trình xử lý các dự án yếu kém. Đó là làm dứt điểm. Khi đã nhận thấy vấn đề quan trọng thì phải xử lý dứt điểm bằng được. Việc hồi sinh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một minh chứng khi Thủ tướng cử một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo dự án.

"Với tinh thần đó của Thủ tướng, chúng ta cùng đặt đồng hồ đếm ngược cho tất cả các dự án đang tồn tại để giải quyết trong thời gian sớm nhất. Giải quyết sớm ngày nào, đất nước sẽ thiệt hại sẽ ít đi ngày đó. Chúng ta cũng không nên tính cái tối đa mà cần tính cái tối ưu cho lợi ích của doanh nghiệp cũng như lợi ích cho đất nước mới là điều quan trọng nhất", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Cả 03 đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều khó khăn do chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn trên doanh thu (Đạm Hà Bắc 33,8%; Đạm Ninh Bình 24,2%; DAP số 2: 21,9%). Đề án đề xuất các giải pháp tái cơ cấu tài chính, tháo gỡ khó khăn giúp đơn vị hồi phục với mục tiêu là giảm thiểu chi phí tài chính, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện thoái vốn vào thời điểm thích hợp, giảm thiệt hại vốn nhà nước. Trong đó có hai phương án là:

- Phương án 1: Bổ sung vốn điều lệ cho Công ty thông qua việc chuyển vốn vay của VDB thành vốn góp vào Công ty.

- Phương án 2: Tái cơ cấu nợ vay đầu tư của VDB và các ngân hàng thương mại.

Trong đó, Phương án 2 (Tái cơ cấu nợ vay đầu tư của VDB và các ngân hàng thương mại) là tối ưu trong thời điểm hiện nay, bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên, góp phần bảo đảm bình ổn, điều tiết thị trường phân bón và an ninh lương thực quốc gia.

Minh Châu

Tạp chí in số tháng 4/2022
Bạn đang đọc bài viết Xử lý dự án yếu kém: Thống nhất nguyên tắc, phân quyền thành luật tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khánh Hòa thu hồi 56 dự án rộng hơn 300 ha
Ban Kinh tế Ngân sách HĐNĐ tỉnh Khánh Hòa thống nhất 56/57 dự án đề nghị đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh trình.