Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức

18/04/2023, 15:06
báo nói -

TCDN - Trước biến động của tình hình kinh tế thế giới, lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia, sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

6-1

Phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022. Mặc dù, mục tiêu này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (10,5%), song đây cũng là thách thức lớn, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân suy giảm là do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo báo cáo của các thương vụ và ngành hàng của Bộ Công Thương, quý I/2023, xuất khẩu của các ngành hàng đều trong xu hướng giảm. Ba tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1% và khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất dự báo tiếp tục tăng trong nửa đầu năm.

Còn ở thị trường trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại dự báo tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên, xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều thách thức chung của các thị trường đối tác. Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế. Trước tình trạng này, đòi hỏi các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp ứng phó kịp thời.

Hướng đến các sản phẩm sản phẩm xanh, kinh tế tuần hoàn

Trong các thị trường xuất nhập khẩu trong quí I, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hoá quí I năm nay ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD). Điều đáng quan tâm là, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu. Đây là những thách thức không nhỏ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được.

“Các khung khổ đa phương và song phương cũng như nhiều bên mà Việt Nam và Hoa kỳ cùng tham gia vẫn có những điểm chung mà có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều như là khung khổ TIFA. Hiệp định thương mại song phương cũng như là khuôn khổ Apec hiện nay là hai bên đang tham gia đàm phán hiệp định trong thời gian tới. Ngoài ra, một trong những trụ cột chính mà Hoa kỳ đánh giá cao đối với nền kinh tế Việt Nam, đó là cam kết của Việt Nam tại COP 26 khi mà đưa ra mức cam kết được mức phát thải dòng về 0 cho năm 2050. Đây sẽ là tín hiệu cho thấy Việt Nam hướng đến các sản phẩm sản phẩm xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong tương lai”, ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay.

Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada nhận định, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%, da giày ghi nhận tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với 2022.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới, trong đó có hàng dệt may. Cụ thể, mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập...

Đại diện các Hiệp hội, ngành hàng như thuỷ sản, cà phê - ca cao đều cho biết, xuất khẩu tháng 3 giảm mạnh ở tất cả các thị trường, trong đó thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hoa kỳ, EU, Trung Quốc. Nguyên nhân do 3 yếu tố: lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu lô hàng lớn. Đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá nhập khẩu giảm mạnh, thiếu đơn hàng. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thuỷ sản Việt Nam.

Tương tự với ngành cà phê, ca cao, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam thông tin, xuất khẩu cà phê, ca cao giảm về lượng và giá trị. Doanh nghiệp trong nước mua hàng rất khó khăn do người nông dân và doanh nghiệp FDI trữ hàng chờ giá cao mới bán ra. Giá thu mua trong nước cao trong khi giá xuất khẩu không ổn định, thậm chí giảm mạnh.

“Niên vụ năm nay, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều bị động về tài chính. Lãi suất ngân hàng thì rất là cao, tỷ giá biến động bất thường nên tài chính của các doanh nghiệp không được dồi dào. Lãi suất cao thì không có hàng tồn kho nhiều cho các doanh nghiệp tồn. Doanh nghiệp nước ngoài mua hàng vào rất nhiều và họ để trong kho để chờ các doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng sẽ bán lại và hiện tượng này cũng đã xảy ra vụ 2021- 2022, nhưng mới hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã không mua được. Do vậy, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều”, ông Đỗ Xuân Hiền nêu thực tế.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo sát tình hình từ cuối năm 2022 và tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Phượng/Tạp chí in số tháng 4/2023
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận