Xuất khẩu nông sản bền vững: Khai thác ưu đãi, cơ cấu lại sản xuất
TCDN - Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải vừa tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường.
Giá trị xuất khẩu các mặt chủ lực cao hơn cùng kỳ
Thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, trong đó có mặt hàng gạo và rau quả. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo, rau quả nói riêng của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả nhất định.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam là thành viên. Các hiệp hội ngành hàng đã, đang phát huy vai trò tích cực, giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023. Trong đó: nông sản chính đạt 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%), lâm sản đạt 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%), chăn nuôi 45,8 triệu USD (tăng 10,2%). Ngược lại, xuất khẩu thủy sản 780 triệu USD (giảm 3,5%) và xuất khẩu đầu vào sản xuất 153 triệu USD (giảm 6,9%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,6%; Cà phê tăng 44,1%; Gạo tăng 38,2%); Điều tăng 19,3%; Rau quả tăng 28,1%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, một số vùng trồng phát triển quá nóng về quy mô nhưng không tuân thủ quy trình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chưa nghiên cứu kỹ yêu cầu, tín hiệu của thị trường xuất khẩu nên không khẳng định được thương hiệu sản phẩm.Bên cạnh đó là vấn đề về chất lượng, nhất là chất lượng rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.
Ngoài ra, vẫn còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, đặc biệt là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được (đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ) khi thị trường biến động.
Quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.
Mặt khác, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh... Những yếu tố này sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, hiệp hội ngành hàng tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).
“Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất; cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch. Đồng thời, chủ động phối hợp, tư vấn cho các địa phương về quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo phương thức hiện đại, hợp chuẩn, bảo đảm chất lượng ổn định và yêu cầu an toàn thực phẩm, rõ mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường nông sản và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội, người sản xuất tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu…
“Các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản”, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả; đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch với bơ, dừa tươi… nâng cao xuất khẩu.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại như doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá.
“Trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được”, ông Nam chia sẻ.
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Song song với đó cần tăng cường vai trò của hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh nông sản xuất khẩu, nhằm xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu Việt Nam uy tín trên thị trường thế giới. Đồng thời, cần có những giải pháp hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Nam Long
email: [email protected], hotline: 086 508 6899