Xuất khẩu nông sản sang EU: Đưa mình lên chuẩn mới

25/01/2019, 04:53

TCDN -

Việc quy định chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ... là thách thức lớn đòi hỏi Việt Nam cần đưa mình lên chuẩn mới hơn đối với hàng hóa xuất khẩu để tương thích hơn với EU.

Vườn rộng vẫn khó vào

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2018, có 27 nước và vùng lãnh thổ EU đầu tư tại Việt Nam với 2.948 dự án với tổng vốn đầu tư 44,27 tỷ USD. Đối với hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường, Việt Nam thu về 4,3 tỷ USD từ thị trường EU trong 10 tháng đầu năm.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định, trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ lệ cao hơn so với kim ngạch nhập khẩu tại thị trường EU. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU. Đây là cơ hội lớn đối với Việt Nam, nhất là khi EVFTA đi vào thực thi. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp dư địa cho Việt Nam tại EU vẫn lớn.

Đáng chú ý là, các hoạt động thương mại từ Việt Nam tới EU sẽ được miễn thuế sau 7 năm, từ EU tới Việt Nam là 10 năm. EU dành cơ chế ưu tiên nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm như gạo, mía đường, các sản phẩm này sẽ không bị tính thuế và không có hạn ngạch. Thời gian tới, Việt Nam sẽ được EU chuyển giao công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp với cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế sau khi EVFTA được ký kết. Hiệp định này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm thủy sản. Ví dụ như các loại trái cây và rau nhiệt đới, các loại gia vị, đồ nội thất bằng gỗ, các loại hải sản và nhuyễn thể nhiệt đới. Hiện Việt Nam đã tạo dựng được môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư EU trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục liên kết hợp tác về công nghệ, thiết bị, vật liệu, phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, các giống cây trồng vật nuôi của EU để phát triển tại Việt Nam.

Tuy nhiên, EU là thị trường đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm và có quy định chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản. Do vậy, bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thách thức tại thị trường EU.

Rào cản đầu tiên dẫn đến xuất khẩu nông sản sang thị trường EU gặp trở ngại là do thiếu tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo khảo sát, hiện có khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là doanh nghiệp tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của Nhà nước. Các vùng nguyên liệu nông sản xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu. Cũng bởi đặc điểm sản xuất nhỏ và tự phát, thiếu tính liên kết dẫn đến chất lượng nông sản của Việt Nam còn thấp.

Hơn nữa, người nông dân cũng chưa được hướng dẫn kỹ về các biện pháp xử lý trong trồng trọt và chăn nuôi. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý kỹ thuật... thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU.

Đáng lưu ý, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi. Không những thế, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn hạn chế, tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này ít được chuyển giao đến nông dân.

Ngoài ra, việc thu hái và sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25 - 30%.

Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn

Bà Miriam Garcia Ferrer cho biết, EU có lịch sử nhập khẩu nông sản lâu đời và với số lượng lớn từ các quốc gia như Australia, Nhật Bản...Vì vậy EU phải đặt ra một quy chuẩn chung. Quy định phải được xác định bởi các quốc gia thành viên, Ủy ban Châu Âu và không có cơ chế đặc thù cho bất cứ quốc gia nào xuất khẩu nông sản sang EU. Việt Nam cần đưa mình lên chuẩn mới hơn đối với hàng hóa xuất khẩu để tương thích hơn với EU. Điều đó cũng có nghĩa người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa từ EU với giá cả hợp lý hơn. Hơn nữa, cần biết “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.

Đặc biệt, khi EVFTA đi vào thực thi sẽ thúc đẩy đầu tư từ EU sang Việt Nam và Việt Nam sẽ được EU chuyển giao công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp với cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Quan điểm của EU là sẽ không tập trung vào sản lượng xuất khẩu, chú trọng đến chất lượng để Việt Nam không chỉ đáp ứng mà sẽ vượt các tiêu chuẩn do EU đề ra.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam cho rằng, xu hướng của thị trường EU là sử dụng các sản phẩm tự nhiên nên doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này phải vừa kiểm soát nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm, vừa phải hướng tới các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch. Doanh nghiệp phải có tư duy mới về sản xuất an toàn, sản xuất sạch. Đây là con đường đi dài nhưng là hướng đi bắt buộc để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, muốn thúc đẩy xuất khẩu nông sản hiệu quả sang thị trường EU, các doanh nghiệp phải có tư duy thị trường với việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc điểm thị trường để có hướng đi phù hợp.

Với EVFTA chuẩn bị được thông qua, một số mặt hàng sẽ có thuế suất giảm sâu, đây là cơ hội quý, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh xuất khẩu nông sản thô, các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị hàng hóa gắn với phát triển bền vững.

Để xuất khẩu nông sản sang thị trường EU thành công, ông Alexandre Bouchot, Tham tán Nông nghiệp của Pháp chia sẻ, cần phân cấp thực hiện trong quản trị chính sách lương thực. Tiếp đó thúc đẩy các sáng kiến địa phương; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt, triển khai hoạt động đầu tư chuyển đổi cũng như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát minh sáng tạo. Hệ thống nông nghiệp và thực phẩm cần được cải tổ để phát triển một cách bền vững.

Hoàng Nam - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu nông sản sang EU: Đưa mình lên chuẩn mới tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận