4 doanh nghiệp yếu kém đè nặng lên Vinachem

29/05/2020, 08:58

TCDN - 4 doanh nghiệp gồm CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP - Vinachem; CTCP DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 803 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính, các nhóm ngành chính của Tập đoàn này chỉ còn đủ nguyên liệu đến tháng 5/2020.

Báo cáo về tình hình sản xuất - kinh doanh quý I/2020 của Vinachem cho thấy, trong kỳ, Tập đoàn đạt doanh thu 9.357 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 8.923 tỷ đồng, đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, 4 doanh nghiệp gồm CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP - Vinachem; CTCP DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 803 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019.

Loạt dự án yếu kém đè nặng lên Vinachem

Loạt dự án yếu kém đè nặng lên Vinachem

Theo lý giải của Vinachem, tình hình sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô và tác động của các chính sách, quy định của Nhà nước, đặc biệt là các bất cập trong quy định về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các đơn vị của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tiến độ sửa chữa máy móc thiết bị...

Tại thị trường trong nước, sản lượng tiêu thụ cũng như giá bán của hầu hết các mặt hàng chủ lực của Vinachem, gồm phân bón, cao su, hóa chất, pin ắc quy... đều giảm mạnh do nhu cầu trong nước suy giảm nghiêm trọng.

Đây là những nguyên nhân chính khiến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các tháng đầu năm của toàn Tập đoàn đạt thấp so với cùng kỳ năm trước cũng như kế hoạch đã được giao.

Riêng CTCP DAP - Vinachem, vốn là niềm hy vọng phục hồi duy nhất trong số 4 doanh nghiệp yếu kém cũng bắt đầu lỗ trở lại trong năm 2020. Quý I, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hơn 400 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ và lỗ 6 tỷ đồng.

DAP-Vinachem cho rằng, do bán hàng khó khăn khiến dòng tiền thiếu hụt cho đầu vào nguyên liệu và duy trì sản xuất - kinh doanh, Công ty đã phải tăng vốn vay lưu động từ ngân hàng để ứng phó. Biến động của tỷ giá ngoại tệ đã dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá thanh toán.

Mặt khác, việc tăng tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước cũng khiến chi phí quản lý cao hơn cùng kỳ, chưa kể những tác động kéo dài từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khó khăn về bán hàng trong những tháng tới.

Đánh giá về tình hình kinh doanh trong 2 quý cuối năm, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho rằng, việc thiếu nguyên liệu, thiếu máy móc thiết bị do chậm nhập khẩu hay phải mua với giá cao sẽ tiếp tục là những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp trong Tập đoàn phải đối mặt.

Trúc Nhi
Bạn đang đọc bài viết 4 doanh nghiệp yếu kém đè nặng lên Vinachem tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vinachem than vì thuế VAT mặt hàng phân bón chỉ... 0%
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) việc đưa mặt hàng phân bón vào diện đối tượng không chịu thuế VAT đã nảy sinh nhiều bất cập. Do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất khiến chi phí sản xuất trong nước tăng.
Vinachem có tân Tổng giám đốc
Vinachem vừa tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm ông Phùng Quang Hiệp giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn.