Vinachem có tân Tổng giám đốc

19/02/2020, 08:38

TCDN - Vinachem vừa tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm ông Phùng Quang Hiệp giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn.

Trước đó, ông Phùng Quang Hiệp là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và được giao phụ trách nhiệm vụ Tổng giám đốc từ tháng 6/2019.

Ông Phùng Quang Hiệp sinh năm 1977, là tiến sĩ kinh tế, giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Vinachem từ tháng 6/2019.

Ông Phùng Quang Hiệp chính thức giữ chức Tổng giám đốc Vinachem

Ông Phùng Quang Hiệp chính thức giữ chức Tổng giám đốc Vinachem

Từ năm 2001 đến năm 2011, ông Phùng Quang Hiệp từng là kế toán rồi kế toán trưởng tại hàng loạt đơn vị như: Công ty Cổ phần vật tư xuất nhập khẩu Từ Liêm; Ban quản lý dự án Đạm Phú Mỹ; Công ty Phân đạm và hóa chất Dầu Khí; Công ty điều hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.

Từ tháng 4 năm 2012 đến ngày 4 tháng 9 năm 2014, ông Phùng Quang Hiệp giữ chức Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Hóa chất Việt Nam

Từ tháng 9 năm 2014, ông Phùng Quang Hiệp tham gia HĐQT Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam và trải qua các vị trí Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT DAP.

Về Vinachem, đây là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, được thành lập theo Quyết định số 2180 TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.

Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, lãi bèo bọt

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ năm 2019 vừa được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố, doanh thu thuần đạt 21.336 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Tương ứng, lợi nhuận gộp thu về 3.309 tỷ đồng, giảm so với mức 3.519 tỷ cùng kỳ.

Tính đến thời điểm 30/6/2019, Vinachem ghi nhận 55.737,5 tỷ tài sản, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 21.507 tỷ và tài sản dài hạn 34.230 tỷ đồng. Công ty hiện có gần 4.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi.

Về nợ, tổng nợ của Vinachem vào mức 37.360,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng chiếm 26.748 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu Công ty ghi nhận 18.327 tỷ, hiện lỗ lũy kế lên đến 2.721 tỷ đồng.

vinachem-1-1570591266738528496096

Đáng chú ý, tại BCTC soát xét, kiểm toán có đưa ra kết luận ngoại trừ liên quan đến một số dự án của Tập đoàn như:

(1) Dự án khai thác và Chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, nước CHDCND Lào đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với các bên liên quan;

(2) Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán công trình hoàn thành và không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay và lãi vay.

Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ra các vấn đề cấn nhấn mạnh, bao gồm việc chưa thu thập được BCTC cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2019 được soát xét bởi công ty kiểm toán độc lập của một số công ty liên kết.

Song song, kiểm toán còn nhấn mạnh việc CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP 2 Vinachem, Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình và CTCP DAP - Vinachem là các công ty con của Tập đoàn đã thực hiện việc trích khấu hao Tài sản cố định theo phương án Bộ Tài chính báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Một vấn đề nhấn mạnh khác liên quan đến một số khoản vay NHTM của Tập đoàn đã quá hạn thanh toán, trong đó số dư nợ gốc quá hạn là 669 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 336 tỷ đồng. Được biết, tài sản đảm bảo cho khoản vay là "Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày ~ 560.000 tấn ure/năm" đã tạm bàn giao Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.

Cuối cùng, theo Báo cáo kiểm toán cho kỳ kế toán từ ngày 1/1-30/6/2019, Tập đoàn đang đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt quỹ tiền lương 2018.

Hoàng Nhung (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Vinachem có tân Tổng giám đốc tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan