4 "ông lớn" ngân hàng thương mại sử dụng vốn nhà nước thế nào?

18/10/2021, 15:03

TCDN - Năm 2020 vốn đầu tư nhà nước vào 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục được bảo toàn và sinh lời. Vốn chủ sở hữu đạt 332.221 tỷ đồng, tăng 27.162,6 tỷ đồng (8,9%) so với cuối năm 2019.

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020, trong đó có đề cập đến tình hình tài chính và hoạt động của khối ngân hàng mại nhà nước.

Khối Ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2020 vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và sinh lời. Vốn chủ sở hữu đạt 332.221 tỷ đồng, tăng 27.162,6 tỷ đồng (8,9%) so với cuối năm 2019, trong đó vốn điều lệ tăng 118,47 tỷ đồng (0,08%) so cuối năm 2019.

4-ngan-hang-tmai

Phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước được trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định. Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các NHTM nhà nước là rất cấp thiết, đặc biệt trong thời gian tới, các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại.

Báo cáo nêu rõ, đến 31/12/2020, tổng tài sản của 4 NHTM nhà nước đạt 5.752.450,23 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,44%/năm. Đến năm 2020, Tổng tài sản của 4 NHTM nhà nước đã tăng gấp 1,53 lần so với năm 2016.

Tiền gửi của khách hàng là 4.653.995,18 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,19%/năm. Đến năm 2020, tiền gửi của khách hàng đã tăng gấp 1,64 lần so với năm 2016.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 4.227.112,73 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,36%/năm. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng luôn kiểm soát trong hạn mức được NHNN giao hàng năm và phù hợp với định hướng chung của ngành. Đến năm 2020, dư nợ tín dụng đã tăng gấp 1,65 lần so với năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 62.364 tỷ đồng. Tốc độ tăng lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22,33%/năm. Quy mô lợi nhuận sau 5 năm tăng lên 2,18 lần (cao hơn mức tăng của quy mô tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng).

“Trong giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu về hiệu quả sinh lời của 04 ngân hàng cơ bản được cải thiện qua các năm. Chỉ tiêu sinh lời năm 2020 ROA, ROE của 4 ngân hàng lần lượt đạt 0,87% và 15,04%”, báo cáo nêu rõ.

Về tình hình chấp hành các tỷ lệ an toàn hoạt động, theo báo cáo của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020, các ngân hàng đều đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Đến 31/12/2020 đã có 03/04 ngân hàng áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là VCB, BIDV, Vietinbank. Riêng Agribank vẫn áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2020, các ngân hàng đã chủ động triển khai, thực hiện các mục tiêu tại phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, theo Quyết định phê duyệt một số mục tiêu, định hướng, giải pháp, lộ trình thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Vấn đề nâng cao năng lực tài chính là vấn đề trọng tâm lớn của cả khối ngân hàng thương mại nhà nước, hiện tại phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do thực hiện các biện pháp bù đắp nhu cầu nâng cao năng lực tài chính như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn.

Do đó, cơ cấu dư nợ chuyển dịch rất tích cực theo đồng tiền và kỳ hạn. Cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ và các phân khúc có khả năng sinh lời cao.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết 4 "ông lớn" ngân hàng thương mại sử dụng vốn nhà nước thế nào? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan