Ngân hàng Nhà nước "sốt rột" với tăng vốn cho "Big 4" ngân hàng

17/04/2020, 10:25
báo nói -

TCDN - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính sớm có ý kiến với dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của cơ quan này về việc tăng vốn điều lệ 4 ngân hàng lớn.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng vốn cho các ngân hàng có thể có cách khác mà không cần dùng đến ngân sách.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng vốn cho các ngân hàng có thể có cách khác mà không cần dùng đến ngân sách.

Theo đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) từ nguồn ngân sách nhà nước để NHNN sớm hoàn thiện gửi Văn phòng Quốc hội phục vụ phiên họp tới.

Đồng thời, Thống đốc NHNN đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm quyền chi phối (BIDV, Vietcombank, VietinBank).

Vấn đề dùng ngân sách để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại lớn (Big 4) hiện vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng,  tuy ngân sách đang khó khăn, song vẫn cần thiết tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thứ nhất, số tiền không quá lớn, vấn đề đã được đề xuất nhiều lần và đã có trong kế hoạch.

Thứ hai, trong bối cảnh rủi ro gia tăng, ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng, nhất là tăng vốn, bởi rủi ro gia tăng thì hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng ngày càng yếu.

Thứ ba, việc tăng vốn này nằm trong lộ trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng theo Đề án 1058 của Chính phủ. Nếu không thể tăng vốn, chắc chắn khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng sẽ kém đi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong 3 tháng nữa, nếu dịch bệnh chưa thể kiểm soát, ngân hàng sẽ “ngấm” khủng hoảng. Vì vậy, bổ sung vốn để các ngân hàng này được “gia cố” lưới an toàn là rất cần thiết. Nếu tình trạng mỏng vốn tiếp diễn, ngân hàng rất dễ bị tổn thương và không thể hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc tăng vốn cho các ngân hàng có thể có cách khác mà không cần dùng đến ngân sách. 

Cụ thể, khi không thể dùng ngân sách để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước thì thay vì giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 65%, cổ đông Nhà nước có thể giảm tỷ lệ này xuống 51% và cấp thêm room cho các nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước xuống 51% sẽ làm xáo trộn HĐQT, ảnh hưởng tới quyền lực của Chính phủ tới các quyết định của ngân hàng. Trên thực tế, hiện ở các ngân hàng có cổ đông nước ngoài, vai trò của nhóm cổ đông này cũng rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, họ đã làm hoạt động của ngân hàng minh bạch hơn và gần hơn với thông lệ quốc tế.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, về nguyên tắc, phải hạn chế chi ngân sách khi ngân sách khó khăn, phải đầu tư nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngân sách chỉ đầu tư vào chỗ nào sinh lời, giải quyết quốc kế dân sinh, mang lại quyền lợi cho xã hội.

Ông Kiêm lưu ý, việc dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho NHTM quốc doanh sẽ đi ngược lại yêu cầu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng nếu làm một cách máy móc, "hô thế nào làm thế ấy", khi ấy hiệu quả rất thấp mà rủi ro cao.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước "sốt rột" với tăng vốn cho "Big 4" ngân hàng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan