Áp dụng tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại Hải Phòng

22/05/2024, 14:32
báo nói -

TCDN - Bộ Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN ra đời để đáp ứng những yêu cầu cấp bách đó, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

6-1

TÓM TẮT:

Hiện nay, ngành du lịch trên toàn thế giới đang tăng trưởng và phát triển một cách mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid - 19 được kiểm soát. Điều này đặt ra các yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường. Bộ Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN ra đời để đáp ứng những yêu cầu cấp bách đó, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

1. Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN

Bộ tiêu chuẩn Du lịch ASEAN gồm 8 tiêu chuẩn là một trong những công cụ để thực hiện ý tưởng hướng đến mục tiêu: Một điểm đến ASEAN chất lượng, thân thiện, bền vững và mang đến lợi ích cho cộng đồng. 8 tiêu chuẩn bao gồm: Khách sạn xanh ASEAN (ban hành năm 2007 và chỉnh sửa năm 2013); nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN (ban hành năm 2014); khu du lịch cộng đồng ASEAN (ban hành năm 2015); điểm du lịch MICE ASEAN (ban hành năm 2016); sản phẩm du lịch bền vững ASEAN (ban hành năm 2016); thành phố du lịch sạch ASEAN (ban hành năm 2016); spa ASEAN (ban hành năm 2017); nhà vệ sinh công cộng ASEAN (ban hành năm 2017).

* Lợi ích của việc áp dụng bộ tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN:

Đối với các quốc gia và tổ chức của họ, dù là công hay tư, lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN có thể tóm tắt như sau:

- Tăng cường nhận thức và hiểu biết về Tiêu chuẩn APTS (Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016 - 2025);

- Cải thiện sự hài lòng của khách hàng / khách du lịch;

- Cải thiện hành vi ứng xử trong khách sạn, không khuyến khích phá hoại và thực hiện hành vi bất hợp pháp;

- Tăng tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và sản phẩm của khách sạn; tạo thương hiệu cho khách sạn trong môi trường kinh doanh lưu trú;

- Góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho khách sạn do áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, tận dụng được năng lượng thiên nhiên, tiết kiệm chi phí.

2. Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN

Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN đưa ra quy trình cấp giấy chứng nhận, các đơn vị được chứng nhận sẽ phải đảm bảo sự phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng sạch. Bộ tiêu chuẩn này được áp dụng thống nhất cho các nước trong khối ASEAN. Tiêu chuẩn đưa ra các kế hoạch hành động trong chuyên ngành khách sạn; các kế hoạch về bảo vệ môi trường, sản phẩm xanh, nguồn nhân lực và quản lý môi trường, bên cạnh đó còn đảm bảo hài hòa với lợi ích của cộng đồng.

Cho đến nay, việc áp dụng Tiêu chuẩn APTS cho khách sạn xanh trong khu vực ASEAN vẫn còn là tự nguyện. Khi có nhu cầu, các tổ chức, đơn vị đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn sẽ nộp hồ sơ cho NTO (Cơ quan du lịch quốc gia) kèm theo các bằng chứng cập nhật và các tài liệu theo mẫu đăng ký chứng nhận đạt tiêu chuẩn du lịch ASEAN. Khi cơ quan thanh tra nhận được hồ sơ từ NTO, cơ quan thanh tra sẽ tiến hành đánh giá theo các bước quy định trong tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN trong vòng 60 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ. Sau khi đáp ứng đủ các tiêu chí, khách sạn sẽ được trao chứng nhận khách sạn xanh ASEAN. Chứng nhận có giá trị trong ba năm và không thể chuyển nhượng cho cơ sở khác.

3. Thực trạng thực hiện tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại Hải Phòng

3.1. Thực trạng hoạt động kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố Hải Phòng

3.1

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 xuất hiện và có tác động nặng nề đến kinh doanh du lịch trên thế giới nói chung và tại Hải Phòng nói riêng. Năm 2021, số cơ sở lưu trú đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn thành phố là 412 cơ sở, chiếm 76% trên tổng số 541 cơ sở; số cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng là 129 cơ sở, chiếm 24% trên tổng số 541 cơ sở. Các cơ sở lưu trú chủ yếu phục vụ khách công vụ hoặc trở thành cơ sở cách ly y tế. Tuy nhiên, nhờ những chính sách phát triển hiệu quả của thành phố, hoạt động kinh doanh lưu trú đã dần được khôi phục trở lại trong hai năm 2022 và 2023.

3.2. Lượng khách du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Hải Phòng

3.2

Lượng khách du lịch đến Hải Phòng có biến chuyển tích cực sau đại dịch Covid - 19. Năm 2022, lượng khách đạt 7 triệu lượt, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng lượng khách đến Hải Phòng tiếp tục duy trì trong năm 2023.

3.3. Số lượng khách sạn xanh được trao giải thưởng ASEAN tại Việt Nam

Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 46 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, cụ thể như sau:

3.3

Nhìn vào bảng trên có thể thấy, phần lớn các khách sạn đạt tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN nằm tại các tỉnh, thành phố lớn và thu hút được nhiều khách du lịch như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa,… Tuy nhiên, nếu so con số 46 với số lượng các cơ sở lưu trú trên toàn quốc thì quả là quá ít ỏi. Điều đáng nói, trong 46 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn ASEAN, không có khách sạn nào thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng. Mặc dù Hải Phòng là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, lấy du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và Hải Phòng cũng không thiếu những thương hiệu khách sạn lớn như Sheraton, Sunrise, Flamingo - những thương hiệu có tên trong danh sách các cơ sở lưu trú đã đạt tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN.

3.4. Điều kiện áp dụng tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại Hải Phòng

Qua quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin từ các khách sạn lớn ở Hải Phòng cho thấy việc áp dụng tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại các khách sạn này là có tính khả thi. Đối chiếu với các chỉ tiêu của bộ tiêu chuẩn cụ thể như sau:

Chính sách môi trường và công tác điều hành khách sạn: Hầu hết các khách sạn lớn của Hải Phòng đều đến từ các tập đoàn lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Do sở hữu đội ngũ quản lý chuyên nghiệp cùng nhân viên giỏi chuyên môn nên vấn đề bảo vệ môi trường luôn được các khách sạn quan tâm.

Sử dụng sản phẩm xanh: Các khách sạn có các biện pháp huyến khích sử dụng sản phẩm địa phương trong hoạt động khách sạn; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như sử dụng ống hút bằng tre, giấy.

Hợp tác với cộng đồng và các tổ chức tại địa phương: Các khách sạn đã tạo công ăn việc làm cho nguồn lao động địa phương, đồng thời cũng tiến hành ký kết các hợp đồng thực tập cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Phát triển nguồn nhân lực: Có các chương trình đào tạo về quản lý môi trường cho nhân viên vận hành và quản lý.

Quản lý chất thải rắn; sử dụng năng lượng hiệu quả; hiệu quả sử dụng nước và chất lượng nước: Đối với ba chỉ tiêu này, các khách sạn có các biện pháp khuyến khích nhân viên và khách hàng tham gia tái sử dụng,tái chế và sử dụng tiết kiệm. Tuy nhiên, các khách sạn vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các chỉ tiêu này do phần lớn phụ thuộc vào ý thức của khách hàng.

Quản lý chất lượng không khí (trong nhà và ngoài trời): Hầu hết các khách sạn đều thiết kế khu vực không hút thuốc và hút thuốc; thường xuyên giám sát, bảo trì thiết bị và phương tiện của khách sạn để đảm bảo chất lượng không khí.

Kiểm soát tiếng ồn: Có chương trình kiểm soát tiếng ồn trong vận hành khách sạn.

Xử lý và quản lý nước thải: Chưa nhiều khách sạn sử dụng nước tái chế/nước xám trong quá trình vận hành.

Quản lý hoá chất và các chất thải độc hại: Các khách sạn cung cấp biển báo rõ ràng đối với các chất độc hại, quản lý phù hợp chất thải độc hại.

4. Giải pháp áp dụng tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại Hải Phòng

- Tuyên truyền, phổ biến tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại Hải Phòng; nâng cao nhận thức sâu sắc của đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách ở địa phương, cộng đồng dân cư về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc được cấp chứng nhận của ASEAN trong việc thu hút khách du lịch cũng như phát triển du lịch bền vững.

- Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN và tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Thành phố cần kiểm tra thường xuyên và có những biện pháp xử lý đối với việc xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường của các khách sạn.

5. Kết luận

Bài viết khái quát hóa cơ sở lý luận về tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng hệ thống cơ sở lưu trú tại Hải Phòng, đánh giá mức độ đáp ứng các chỉ tiêu của bộ tiêu chuẩn, từ đó đưa ra một số giải pháp áp dụng bộ tiêu chuẩn này vào tình hình thực tiễn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và không làm ảnh hưởng đến môi trường

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thủy Bích (2021), Thống kê: Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động và nguồn nhân lực du lịch tại thành phố Hải Phòng, truy cập ngày 20/3/2023, từ https://bvhttdl.gov.vn/tac-dong-cua-dai-dich-covid-19-doi-voi-hoat-dong-va-nguon-nhan-luc-du-lich-tai-thanh-pho-hai-phong-20211015172750768.htm

2. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (2023), Tiêu chuẩn và giải thưởng du lịch ASEAN - Khách sạn xanh.

3. Sở Du lịch Hải Phòng (2023), Số lượng khách du lịch đến Hải Phòng trong tháng 7, truy cập ngày 20/3/2024, từ https://sodulich.haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/so-luong-khach-du-lich-den-hai-phong-trong-thang-7-530607

4. Anh Tuấn (2023), Du lịch Hải Phòng: Hướng “nội” để vươn “ngoại”, truy cập ngày 20/3/2024, từ https://baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=73351&cat=25

ThS. Lê Thị Luyến

Trường Đại học Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 5/2024
Bạn đang đọc bài viết Áp dụng tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN tại Hải Phòng tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899