Bài 3: Cần chiến lược phát triển đại lý thuế đến 2045 để đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân
TCDN - Theo Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc, các nghị quyết lớn về phát triển kinh tế tư nhân là cơ hội quan trọng để nghề tư vấn thuế, đại lý thuế khẳng định vai trò, việc xây dựng một chiến lược phát triển đại lý thuế dài hạn là cần thiết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, minh bạch tài chính.
Bài 1: Đại lý thuế: Mắt xích chiến lược trong hiện đại hóa quản lý thuế
Bài 2: Hơn 15 năm, vì sao đại lý thuế vẫn phát triển “chậm”?
Xây dựng chiến lược đại lý thuế rõ ràng
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc cho rằng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198 của Quốc hội và Nghị quyết 139 của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế chính là cơ hội để nghề tư vấn thuế, đại lý thuế khẳng định vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật, minh bạch tài chính và phát triển bền vững.
“Vậy làm thế nào để dịch vụ tư vấn thuế bao gồm cả đại lý thuế và tư vấn tài chính có thể cất cánh trong bối cảnh đất nước đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, đúng như lời kêu gọi đầy tâm huyết của Tổng Bí thư Tô Lâm?”, bà Cúc đặt vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.
Bà thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển hệ thống đại lý thuế thời gian qua còn chậm. Dù đã có Luật Quản lý thuế và công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhưng đến nay ngành vẫn đang vận hành theo Quyết định 420 văn bản phát triển đại lý thuế giai đoạn 2014 - 2020, và đã 5 năm trôi qua mà chưa có chiến lược kế tiếp. Đáng chú ý, mục tiêu của Quyết định 420 là đến năm 2020 có 10% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế, song thực tế hiện nay dù cả nước có khoảng 940.000 doanh nghiệp tư nhân nhưng con số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này vẫn còn rất khiêm tốn.
Dẫn chứng quốc tế, bà Cúc cho biết tại Nhật Bản, tới 93% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn thuế và đại lý thuế, một con số ấn tượng, phản ánh rõ vai trò thiết yếu của đại lý thuế trong hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, theo Nghị quyết 68/NQ-CP, mục tiêu đến năm 2030 là có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, năm 2045 số lượng doanh nghiệp có thể đạt khoảng 3 triệu. Chỉ cần vài chục phần trăm trong số đó sử dụng dịch vụ đại lý thuế, khối lượng công việc sẽ là rất lớn. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển rộng mở, không chỉ ở khu vực doanh nghiệp lớn mà cả với nhóm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là lực lượng đang và sẽ chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trước thực tiễn đó, Chủ tịch VTCA kiến nghị cần sớm xây dựng một chiến lược phát triển đại lý thuế rõ ràng, dài hạn, chẳng hạn như “Chiến lược phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách trước mắt, mà còn là bước đi mang tính chiến lược để nâng tầm nghề đại lý thuế trong hệ thống tài chính quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, ngành thuế hiện nay đang chịu áp lực lớn do thay đổi mô hình tổ chức. Từ hệ thống ba cấp, nay chỉ còn hai cấp quản lý, khối lượng công việc vì thế bị dồn lại, áp lực quản lý tăng cao. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động như đào tạo, phổ biến chính sách, tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ người nộp thuế là rất cần thiết. Các tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn thuế, đại lý thuế, tư vấn tài chính sẽ là lực lượng chia sẻ gánh nặng với cơ quan thuế, đồng thời góp phần thúc đẩy hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý thuế.
Bà Cúc nhấn mạnh, đại lý thuế và tư vấn tài chính cần cùng ngành thuế và Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu chung: xây dựng một hệ thống tài chính công khai, minh bạch, hiệu quả; kiến tạo một hệ sinh thái dịch vụ tư vấn chất lượng, thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho người nộp thuế. Hiệu quả của nghề tư vấn không chỉ nằm ở việc thực hiện đúng quy định pháp luật, mà còn thể hiện ở khả năng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao tính tuân thủ một cách chủ động và bền vững.
“Chúng ta cần phát triển một nghề tư vấn thuế, tư vấn tài chính văn minh, chính trực và chuyên nghiệp. Không chỉ làm đúng, làm đủ mà còn làm bằng tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp vì sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước”, Chủ tịch VTCA khẳng định.
Ông Trương Ngọc Đăng Khoa, Giám đốc điều hành Đại lý Thuế Trương Gia cho biết, để có thể đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đội ngũ phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật chính sách mới và hoàn thiện quy trình dịch vụ.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín ông Nguyễn Văn Được cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hành nghề, mở rộng các dịch vụ cho đại lý thuế như ở các nước Nhật Bản, Singapore… nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ kỷ nguyên phát triển.
Đặc biệt, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa “cơ quan thuế, hiệp hội thuế, đại lý thuế và người nộp thuế”, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế khuyến khích người nộp thuế sử dụng dịch vụ của đại lý thuế, như: được xem xét giải ngân nhanh, giảm tần suất thanh tra, kiểm tra, ưu tiên thực hiện thủ tục hành chính khi áp dụng cơ chế “tự nguyện đăng ký tuân thủ pháp luật”.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Đại lý Thuế D&P.
Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai hiệu quả cơ chế “sử dụng báo cáo của các công ty kiểm toán, kế toán và đại lý thuế” trong việc giải quyết thủ tục giải thể cho người nộp thuế. Đồng thời, cần gia tăng sự phối hợp và đẩy mạnh xã hội hóa đa dạng các dịch vụ công khác nhằm giảm tải cho cơ quan thuế, cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thu nộp thuế, ông Được kiến nghị.
Hướng đến đối tượng hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa, Giám đốc D&P Việt Nam, bà Nguyễn Thị Dung cho rằng, trong bối cảnh mới, các hộ kinh doanh đang thiếu kiến thức chuyên môn, gặp khó khăn trong việc kê khai thuế và tiếp cận các quy định pháp luật mới. Doanh nghiệp nhỏ thường thiếu nhân sự kế toán chuyên sâu, lo ngại rủi ro liên quan đến thuế và các khoản xử phạt. Việc chuyển đổi số còn chậm do tâm lý e ngại đầu tư vào công nghệ và hạ tầng số. Đây cũng là cơ hội cho các công ty tư vấn thuế.
Bà Dung cho biết, trong thời gian tới, D&P sẽ triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn dành cho chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hợp tác với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế giám sát hiệu quả
Theo Ban Quản lý tuân thủ và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại lý thuế cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách theo hướng nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đại lý thuế, đặc biệt là Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, để giải quyết các bất cập hiện có, đồng thời lồng ghép các quy định phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số.
Xác định rõ hơn trách nhiệm của đại lý thuế trong việc cung cấp dịch vụ, cũng như trách nhiệm liên đới trong trường hợp xảy ra sai sót do lỗi của đại lý thuế. Đưa ra các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế uy tín và có cơ chế xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm của đại lý thuế.

(Ảnh minh họa)
Song song với đó nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của đại lý thuế bằng các giải pháp như tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ thuế, cập nhật các chính sách thuế mới cho đội ngũ nhân sự của các đại lý thuế. Ban hành và phổ biến rộng rãi bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho các đại lý thuế, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động. Yêu cầu bắt buộc nhân viên đại lý thuế phải tham gia đầy đủ các chương trình cập nhật kiến thức về thuế theo quy định để đảm bảo nắm vững các chính sách thuế mới, tránh sai sót.
Phát triển các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các đại lý thuế, công bố công khai thông tin để người nộp thuế có cơ sở lựa chọn và khuyến khích các đại lý thuế nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò và lợi ích của đại lý thuế đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ hiểu và sử dụng dịch vụ này hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý tuân thủ người nộp thuế cho rằng cần tăng cường công tác quản lý của cơ quan thuế bằng cách xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, áp dụng các tiêu chí, chỉ số rủi ro để đánh giá và phân loại các đại lý thuế, từ đó tập trung nguồn lực để kiểm tra, giám sát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đồng bộ về đại lý thuế và người nộp thuế, ứng dụng các công nghệ mới như AI, Big Data để phân tích, cảnh báo rủi ro, phát hiện gian lận trong hoạt động của đại lý thuế. Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước khác (như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cơ quan đăng ký kinh doanh) để trao đổi thông tin, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của đại lý thuế.
Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực cần tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về thuế và hành nghề của các đại lý thuế để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Các cuộc kiểm tra này có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thuế về kiến thức chuyên sâu về đại lý thuế, kỹ năng kiểm tra, giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Đại diện Ban Quản lý tuân thủ hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế khẳng định: “Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý thuế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, từ đó đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899