Cổ phần hóa DNNN: Tắc ở đất vàng

Bài 3: Đưa phương án sắp xếp nhà đất vào điều kiện cổ phần hóa

18/09/2020, 13:30
báo nói -

TCDN - Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất được đưa vào điều kiện cổ phần hóa.

181013-dat-cong-bnews-vn

Bài 1: Phê duyệt phương án sử dụng đất: Vừa trùng lặp, vừa thiếu thống nhất

Bài 2: Xác định giá khởi điểm: Lo bỏ sót tính đặc thù doanh nghiệp

Phương án sắp xếp nhà đất là điều kiện CPH

Góp ý đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP Bộ Tư pháp cho rằng, cần xem xét, quy định phương án sử dụng nhà đất theo pháp luật về cổ phần hóa phù hợp để quá trình sắp xếp nhà đất theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công không gây khó khăn, chậm tiến độ việc cổ phần hóa, vẫn đảm bảo tính đầy đủ giá trị doanh nghiệp, vốn nhà nước khi cổ phần hóa, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định, toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó gồm cả doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa) đều phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất. Các doanh nghiệp này hiện nay đều đang trong quá trình thực hiện xây dựng trình duyệt phương án sắp xếp nhà đất.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về việc đưa nội dung các doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất được duyệt theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công vào điều kiện cổ phần hóa là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành và thực tế hiện nay.

Trường hợp không yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sẽ gây khó khăn cho quá trình cổ phần hóa vì không có cơ sở để xác định được diện tích đất nào doanh nghiệp tiếp tục được giữ lại sử dụng, từ đó không có cơ sở xác định giá trị đất (trong trường hợp giao đất) vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Đồng thời, việc không quy định phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công cũng không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội trong việc đẩy mạnh công tác rà soát diện tích nhà, đất do DNNN đang quản lý, sử dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về quy định phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa áp dụng cả đối với DNNN trực thuộc 100% của DNNN khi cổ phần hóa được căn cứ theo nội dung Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất áp dụng cả đối với doanh nghiệp cấp II). Để đảm bảo phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tại dự thảo Nghị định đã chỉnh sửa quy định về điều kiện cổ phần hóa như sau: “Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.”

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã bổ sung vào dự thảo Nghị định chế tài xử lý trong trường hợp địa phương chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất và cơ quan đại diện chủ sở hữu chậm có ý kiến phê duyệt phương án sử dụng đất theo hướng sẽ xem xét để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, người quản lý doanh nghiệp theo quy định. Đồng thời để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Nghị định nâng thời gian cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa sau khi đã có đầy đủ ý kiến của các địa phương từ 15 ngày lên 01 tháng (30 ngày).

Doanh nghiệp tự quyết định mức giá khởi điểm

Về việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết, một số địa phương, doanh nghiệp phản ánh thực tế khi chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại các doanh nghiệp mà tỷ lệ và giá trị vốn thấp thì tổ chức thẩm định giá không tiếp cận được hồ sơ, tài liệu và có đầy đủ thông tin để thực hiện xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn theo phương pháp tài sản đảm bảo theo nguyên tắc nêu tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Do đó, rất khó khăn trong việc xác định giá khởi điểm và thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp này.

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác chuyển nhượng vốn, dự thảo Nghị định bổ sung quy định đối với trường hợp chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán mà tỷ lệ nhà nước/DNNN đang nắm giữ dưới 36% vốn điều lệ và giá trị vốn nhà nước/vốn của DNNN nắm giữ trong vốn điều lệ phải chuyển nhượng dưới 10 tỷ đồng thì DNNN xem xét, quyết định việc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc tự quyết định mức giá khởi điểm tại ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn đảm bảo giá trị chuyển nhượng không thấp hơn giá trị thực của phần vốn góp phải chuyển nhượng trên báo cáo tài chính gần nhất với thời điểm chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhận vốn góp hoặc không thấp hơn giá trị đầu tư ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ khoản dự phòng tổn thất vốn đầu tư đã trích lập (nếu có).

Hạnh Trần
Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Đưa phương án sắp xếp nhà đất vào điều kiện cổ phần hóa tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan