Cổ phần hóa DNNN: Tắc ở đất vàng

Bài 2: Xác định giá khởi điểm: Lo bỏ sót tính đặc thù doanh nghiệp

17/09/2020, 09:33

TCDN - Để xác định đầy đủ giá thực tế phần vốn của DNNN đầu tư ra ngoài, SCIC phải áp dụng phương pháp tài sản khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm bán vốn cho tất cả các đơn vị bán vốn, tránh bỏ sót giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

29_xlwc

Bài 1: Phê duyệt phương án sử dụng đất: Vừa trùng lặp, vừa thiếu thống nhất

Không tính đến loại hình, đặc thù

Về áp dụng phương pháp xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn và tính giá trị quyền sử dụng đất trả tiền hàng năm và quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định số 32/2018 quy định: “DNNN lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá.”. Mục c Điều 1 khoản 12 điểm 1 quy định “Xác định đầy đủ giá thực tế phần vốn của DNNN đầu tư ra ngoài bao gồm: giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp thẩm định giá và SCIC thường phải áp dụng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm bán vốn cho tất cả các đơn vị bán vốn để tránh bỏ sót giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ mà không tính đến loại hình, đặc thù của doanh nghiệp.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp đã niêm yết, giá cổ phiếu về cơ bản đã phản ánh kết quả kinh doanh, tiềm năng phát triển và lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có lợi thế về đất đai và quyền sở hữu trí tuệ và nhu cầu của thị trường đối với cổ phiếu của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, các phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức cũng đã phản ánh tiềm năng phát triển và lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có lợi thế về đất đai và quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp như kinh doanh thua lỗ, yếu kém, tồn tại lâu dài, mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, tỷ lệ sở hữu nhà nước thấp… nên dù doanh nghiệp có lợi thế về đất đai vẫn không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư dẫn đến bán vốn nhiều lần nhưng không thành công, gây tốn kém cho cổ đông nhà nước.

Mặt khác, Nghị định 32/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê hàng năm. Theo đó việc xác định chênh lệch thuê đất còn lại không rõ tính theo phương pháp chiết khấu dòng chênh lệch của từng năm trong tương lai về hiện tại hay công cơ học đơn thuần.

Ngoài ra, quy định trên còn mâu thuẫn với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Cụ thể, Thông tư 122/2017/TT-BTC quy định, để xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm bán vốn, công ty thẩm định giá và thẩm định viên về giá quyết định cách tiếp cận trong thẩm định giá và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp phù hợp với giá trị doanh nghiệp (cơ sở giá thị trường hoặc cơ sở giá phi thị trường) và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá. Với mỗi cách tiếp cận có phương pháp thẩm định giá phù hợp.

Trong đó, đối với cách tiếp cận từ thị trường áp dụng phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch. Đối với cách tiếp cận từ chi phí là phương pháp tài sản. Đối với cách tiếp cận từ thu nhập là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần của vốn chủ sở hữu.

Không thể áp dụng phương pháp tài sản

Không riêng SCIC, VNPT cũng gặp vướng mắc trong áp dụng phương pháp tài sản khi xác định giá khởi điểm. Cụ thể, tại Mục c Điều 1 khoản 12 điểm 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định, khi xác định giá khởi điểm phải sử dụng tối thiểu 2 trong các phương pháp thẩm định giá sau: Phương pháp giá giao dịch; Phương pháp tỷ số bình quân; Phương pháp tài sản; Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp; Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức; Phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp có vốn góp của VNPT có tỷ lệ sở hữu thấp, VNPT không thu thập được hồ sơ, tài liệu về tài sản, đất đai vì vậy không thể áp dụng phương pháp tài sản khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn của VNPT.

VNPT đề nghị bổ sung quy định: “Trường hợp không thu thập được đầy đủ hồ sơ tài sản của các công ty phải thực hiện chuyển nhượng vốn (do tỷ lệ sở hữu cổ phần thấp không chi phối để yêu cầu cung cấp hồ sơ về tài sản, đất đai hoặc do công ty cổ phần có địa bàn rộng không thực hiện kiểm kê cung cấp hồ sơ về tài sản, đất đai) thì đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp không phải áp dụng phương pháp tài sản khi xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn.”

Bài 3: Đưa phương án sắp xếp nhà đất vào điều kiện cổ phần hóa

Hạnh Trần
Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Xác định giá khởi điểm: Lo bỏ sót tính đặc thù doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan