Bảo hiểm Xã hội tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

22/11/2018, 08:57

TCDN - Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc.

Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời hạn chế tình trạng các doanh nghiệp ký hợp đồng dưới 3 tháng để “né” luật, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc quy định bắt buộc đóng bảo hiểm cho lao động ngắn hạn từ đủ 1 đến dưới 3 tháng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thâm dụng lao động. Ảnh: Hương Dịu

Lao động ngại “ràng buộc”

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, các quy định liên quan đến BHXH có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng cũng được tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động có thời hạn kể trên, doanh nghiệp sử dụng lao động có thể tiến hành ký kết hợp đồng lao động mới vẫn là hợp đồng xác định thời hạn nhưng cũng chỉ được ký thêm 1 lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, tâm lý của lao động là nơi nào có lương cao, chế độ ưu đãi tốt là có thể “nhảy việc” ngay lập tức, xu thế này ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, bản thân người lao động thời vụ cũng không muốn có sự ràng buộc khi doanh nghiệp yêu cầu ký hợp đồng lao động. Thực tế, ở nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc của lao động thời vụ có hợp đồng từ 1-3 tháng rất cao. Chủ sử dụng chưa kịp phát sổ bảo hiểm thì lao động đã “nhảy việc”, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả sổ BHXH cho người lao động bởi không biết tìm lao động ở đâu để trả.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Hải, vì là doanh nghiệp xây dựng, có hợp đồng ở nơi nào thì đến nơi đấy để làm việc nên việc thuê lao động thời vụ ngoài là không thể tránh khỏi, thậm chí có khoảng thời gian, lao động ngoài chiếm đến ½ số lượng lao động chính của Công ty. Hầu hết lao động này đều là nông dân ở quê tranh thủ những ngày nông nhàn làm công nhân xây dựng, nên họ chỉ muốn được hưởng đủ lương chứ không muốn hưởng trợ cấp hay BHXH.

Với những doanh nghiệp sản xuất, vào dịp cuối năm thì thuê lao động thời vụ để sản xuất kịp hàng hóa là chuyện thường xuyên diễn ra, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trưởng phòng nghiệp vụ Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thành Phát, thường những lao động thời vụ phải học việc từ 2-5 tuần mới có thể đảm đương được công việc, thậm chí nhiều lao động còn không có mong muốn đóng BHXH bởi không muốn bị ràng buộc, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết hợp đồng với những lao động này.

Rút ngắn quy trình cho doanh nghiệp

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, quy định trên sẽ giúp nhóm lao động này được tham gia BHXH, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm… Tuy vậy, có đơn vị sử dụng lao động e ngại rằng, việc đóng BHXH cho người lao động 1 – 3 tháng sẽ khiến doanh nghiệp “phiền phức” bởi lượng lao động này không ổn định, thường xuyên chuyển chỗ làm, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính mùa vụ, sử dụng nhiều lao động ngắn hạn. Để giải quyết được khó khăn trên, về khâu tổ chức thực hiện, BHXH đã hiện đại hóa các cơ sở quản lý để triển khai thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ cấp sổ, thẻ, chi trả quyền lợi cho người lao động.

“Theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi đã rút ngắn thời gian cấp sổ, thẻ cho người tham gia mới. Luật quy định thời gian là 20 ngày, nhưng chúng tôi đã rút ngắn chỉ còn 7 ngày với người mới tham gia. Với người đã tham gia, đã có mã số BHXH, đã được trả sổ BHXH có thể tham gia đóng ở bất cứ đâu và với việc đăng ký điện tử thì chỉ mất 2 ngày, thậm chí trong ngày là xong”, ông Trần Đình Liệu cho biết.

Ông Liệu cũng cho biết thêm, nhiều công việc trước đây do đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện, nay đã chuyển sang BHXH, kể cả việc tiếp nhận, trả hồ sơ, giải quyết chính sách. Đơn vị dịch vụ công là bưu điện sẽ đến tận nơi nhận hồ sơ. Việc trả hồ sơ, sổ, thẻ cũng làm tận nơi; đơn vị sử dụng không phải đến cơ quan BHXH, không phải trả phí. Sổ BHXH cũng được trả tận tay người lao động.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đang rà soát bổ sung thông tin người tham gia để cấp mã số BHXH, tiến tới hoàn thành cấp thẻ BHXH điện tử vào năm 2020, thay thế hoàn toàn thẻ BHYT và sổ BHXH giấy như hiện nay. Cơ quan này đang phấn đấu đạt mục tiêu đồng bộ và ghép được 70% mã số BHXH cho người tham gia trên toàn quốc. Sau đó sẽ tiến hành in, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số định danh.

Bạn đang đọc bài viết Bảo hiểm Xã hội tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899