Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đầu tư trái phiếu
TCDN - Đây là một trong những nội dung buổi toạn đàm với chủ đề “Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế khi đầu tư trái phiếu, hợp đồng hợp tác đầu tư, tiết kiệm linh hoạt trên các nền tảng ứng dụng công nghệ” do Tạp chí điện tử Hòa Nhập phối hợp với các tổ chức tư vấn pháp luật tổ chức.
Thông tin tại Tọa đàm cho thấy, thời gian qua, hàng loạt vụ án liên quan đến lừa đảo mua bán cổ phần rồi ủy thác quản lý, trái phiếu ảo, hợp tác đầu tư, gửi tiền tiết kiệm linh hoạt trên các ứng dụng như một công ty tài chính khiến nhà đầu tư bất an.
Một hiện tượng hiện nay đang khá phổ biến đó là nhiều doanh nghiệp đăng tải các thông tin quảng cáo về các ứng dụng gửi tiền linh hoạt với lãi suất hấp dẫn. Các doanh nghiệp này câu kéo người dùng app (ứng dụng) và đầu tư với số tiền chỉ từ vài chục nghìn đồng như Tikop, Finhay, Passion Invest, Savenow, Buff, Fmarket, ... trên các nền tảng ứng dụng này người dùng, hay còn được gọi là nhà đầu tư, được cam kết với mức lãi hấp dẫn, có thể thanh toán tiền, có thể rút tiền một cách linh hoạt…
Sự đa dạng của các mô hình huy động vốn trên khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng ngậm trái đắng không thể lấy được tiền của mình đã đầu tư vào các doanh nghiệp như vậy, thâm chí có nguy cơ mất trắng. Qua thực tế có thể thấy, những nhà đầu tư này thường là những nhà đầu tư nhỏ lẽ, thậm chí thuộc nhóm yếu thế (chủ yếu là nhóm yếu thế của xã hội đó là cản bộ, công chức nghỉ hưu, người hưởng lương từ ngân sách đều trên 60 tuổi, nhiều thương bệnh binh, người khuyết tật).
Luật sư Đặng Phương Chi, Văn phòng Luật sư TGS cho biết hiện nay có 2 kẽ hở pháp lý khiến nhà đầu tư có thể bị doanh nghiệp “lừa”.
Thứ nhất, các hợp đồng được giao kết giữa các bên thường khá dài và có rất nhiều điều khoản do vậy nhiều khách hàng hiện nay thường không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký mà chỉ hoàn toàn tin tưởng vào những lời tư vấn của nhân viên. Việc khách hàng không đọc kỹ, không hiểu các quy định về cách tính lãi suất, mức gửi tối thiểu, điều kiện tất toán trước hạn, thời hạn áp dụng ưu đãi,… khiến khách hàng hiểu sai hoặc hợp đồng có những điều khoản gây bất lợi cho nhà đầu tư dẫn đến các bên phát sinh tranh chấp và nhà đầu tư thường là bên bị thiệt hại (yếu thế). Hơn nữa, các doanh nghiêp cũng có thể căn cứ vào các điều khoản gây bất lợi cho chủ đầu tư để sử dụng khoản tiền mà họ đã thanh toán vào các mục đích khác, không đúng theo thỏa thuận của các bên. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về tài sản cho nhà đầu tư.
Thứ hai, pháp luật hiện nay tuy đã có quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy việc bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa thực sự hiệu quả, vẫn tồn tại tình trạng các thông tin cá nhân của khách hàng như: địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại, các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng,… bị lộ dẫn tới tình trạng khách hàng bị gọi điện làm phiền, mất tiền trong tài khoản sau khi làm theo hướng dẫn của một số đối tượng nặc danh nhân viên ngân hàng,…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899