BIDV Long Biên tự động thu nợ 270 tỷ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

27/09/2023, 20:54
báo nói -

TCDN - Để thu hồi được nợ từ Công ty Hải Hà, BIDV Long Biên đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của công ty này.

Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà) cho biết sự việc trên đã xảy ra tại công ty này khi BIDV Long Biên trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà.

Chính vì vậy, ngày 5/6, Vận tải thủy bộ Hải Hà đã có công văn gửi Bộ Tài chính về sự việc trên. Trong công văn, công ty này khẳng định việc làm này của BIDV Long Biên là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).

BIDV Long Biên tự động thu nợ gần 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp.

BIDV Long Biên tự động thu nợ gần 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp.

Sau khi nhận được phản ánh từ Vận tải thủy bộ Hải Hà, ngày 31/8 Bộ Tài chính đã gửi công văn cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Long Biên đề nghị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.

Cùng ngày, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này có biện pháp lưu ý đến các ngân hàng.

Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Khi doanh nghiệp có số dư nợ tại ngân hàng thương mại - nơi doanh nghiệp mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhà băng đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của doanh nghiệp có số dư dương (trong đó có tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu) để khấu trừ công nợ của doanh nghiệp. Cho nên, doanh nghiệp khó duy trì số dư Quỹ bình ổn giá theo quy định.

Bởi, khoản 26, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã nêu rõ: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 95 và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.

“Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác”, Nghị định nêu rõ.

Như vậy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được chi sử dụng bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ cho các mục đích khác.

Quy định này nhằm hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội đã được phê duyệt.

Chính vì thế, việc ngân hàng thu nợ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sai quy định pháp luật.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện dư hơn 7,4 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7, xăng dầu đã qua 20 kỳ điều hành giá. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ này cho biết tính chung 7 tháng, giá xăng dầu trong nước đã giảm hơn 19,3% và dầu hỏa là hơn 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tới 31/7 hơn 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ) và là mức cao nhất từ quý 1/2021. Do đó, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.

Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương) quyết định.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết BIDV Long Biên tự động thu nợ 270 tỷ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đầy đủ nhất nước
Sở hữu bộ tứ hạ tầng giao thông: Không – Thủy – Bộ – Sắt, Đà Nẵng đang không ngừng phát huy thế mạnh bằng việc tập trung phát triển mới cũng như nâng cấp nhiều dự án hạ tầng giao thông, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và giới chuyên gia, cư dân toàn cầu.