Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong 2023

17/12/2022, 16:56
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển, trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Chiều ngày 17/12, Chính phủ cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.”

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá rằng sau thời gian 2 năm (2020 - 2021) tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định. Điều đáng nói, kết quả này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.

“2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nhận diện, phân tích những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và đưa ra các kịch bản, giải pháp hướng tới mục tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng để có được những kết quả trên, Chính phủ đã kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Đồng thời, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí...

"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới", ông Tuấn Anh đánh giá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển, trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

"Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Do đó đòi hỏi không chỉ riêng sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra mà còn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

Để biến thách thức thành cơ hội, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng: Ngân hàng Nhà nước có thể gỡ bỏ áp lực tỷ giá hối đoái thông qua tăng mức độ linh hoạt của tỷ giá trong khi kiềm chế lạm phát; tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính; thúc đẩy sử dụng hiệu quả các tài sản chính của Việt Nam như vốn sản xuất, vốn con người và vốn tự nhiên.

Những "cơn gió ngược" đó của năm 2023 khiến chuyên gia ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023, từ mức 6,7% xuống 6,3%.

"Với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân băng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính", đại diện ADB khuyến nghị và cho rằng Việt Nam nên cảnh giác với lạm phát trong năm 2023.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong 2023 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngày 17/12 diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5
Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” vào ngày mai (17/12) tại Hà Nội.