Thống nhất mức thuế TNDN 10% đối với toàn bộ loại hình báo chí
TCDN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế TNDN 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Sáng 12/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi). Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay, về bổ sung ưu đãi thuế đối với báo chí, theo Cơ quan soạn thảo, quy định của Luật hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; đối với các hoạt động báo chí khác áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo chủ trương của Đảng và nhà nước và là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí có xu hướng sụt giảm.
Do đó, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở nhất trí với đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Trước đó, góp ý về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, quy định về thuế suất đối với cơ quan báo chí tại Điều 10 và điểm d khoản 2 Điều 13 cho thấy sự mâu thuẫn giữa thực tiễn hoạt động báo chí và chính sách thuế.
Phân tích thực trạng hoạt động báo chí hiện nay, đại biểu cho biết, báo điện tử đang trở thành phương thức chủ đạo, trong khi báo in ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, báo in lại được hưởng mức thuế ưu đãi 10%, trong khi báo điện tử phải chịu mức thuế 20%, dù cả hai đều phục vụ mục tiêu cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận và thực hiện nhiệm vụ truyền thông của Đảng, nhà nước.
Thêm vào đó, báo điện tử có nguồn thu lớn từ quảng cáo, thu phí nội dung và các dịch vụ kỹ thuật số, nhưng vẫn bị áp dụng mức thuế suất cao hơn báo in. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến báo chí trong bối cảnh cạnh tranh số, khi nhiều cơ quan báo chí điện tử gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động do doanh thu quảng cáo sụt giảm, trong khi vẫn phải chịu thuế suất cao hơn báo in. Chính sách thuế hiện tại cũng chưa theo kịp xu hướng chuyển đổi số báo chí, tạo rào cản tài chính cho các cơ quan báo chí điện tử. Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo nhưng chỉ chịu thuế gián tiếp tại Việt Nam, gây bất lợi cho báo chí trong nước.
Đại biểu đề nghị áp dụng thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí, không phân biệt loại hình, đồng thời nhấn mạnh, quy định này sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính, tạo sự công bằng, khuyến khích phát triển bền vững, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Việc duy trì thuế suất 20% cho báo điện tử là không phù hợp với thực tế, cần sửa đổi chính sách thuế để hỗ trợ ngành báo chí phát triển trong thời đại số.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899