Các thị trường nào mua thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong quý 1/2024?
TCDN - Hết quý 1/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 2 tỷ USD, trong đó Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là các thị trường mua thủy sản nhiều nhất
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 3/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, hết quý 1/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam trong quý 1/2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 15%.
Riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý 1/2024 tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 - 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%.
Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý 1/2024, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ tăng nhu cầu tôm, cua của Việt Nam, mà xuất khẩu 2 loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật, theo đó xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba…
Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc – đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật - đã cấm nhập khẩu hủy sản từ Nhật Bản.
Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%... Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: sang Mỹ - thị trường lớn nhất – tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%... Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn tăng 16%, trong khi sang các thị trường chính khác như Mỹ giảm 3%, Nhật Bản giảm 21%...
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995; nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.
Với sự năng động sáng tạo của nông dân, doanh nghiệp, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường và đạt gần 11 tỷ USD (năm 2022). Từ đó, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899